Nam Du archipelago - VN

Vietnam / Dong Bang Song Cuu Long / Rach Gia /
 archipelago, draw only border

Cưỡi sóng", khám phá Nam Du

TTO - Từ Rạch Giá, sau năm giờ lênh đênh trên biển, quần đảo Nam Du với 21 hòn đảo quây quần trong diện tích khoảng 40km2 lô nhô hiện ra trong ráng chiều mờ ảo. Một giờ sau, con tàu hơn 100 chỗ ngồi có vận tốc 8 hải lý/giờ chậm chạp tựa thân vào cầu cảng…

Khi đến quần đảo Nam Du, dù muốn hay không, con tàu cũng “buộc” bạn phải đặt chân lên hòn đảo lớn nhất và cao nhất là Hòn Lớn - có diện tích khoảng 500ha - cũng là trung tâm xã An Sơn quản lý 10 hòn đảo phụ cận.

Bạn nên “mở màn” cuộc khám phá Nam Du bằng việc chinh phục ngọn đảo Hòn Lớn. Có một con đường dài 2,6km được trải nhựa thời Pháp từ trung tâm Hòn Lớn lên đến đỉnh cao 295m. Ngay đầu đường luôn có xe ôm sẵn sàng chở bạn lên đỉnh với giá 20.000đ. Nhưng nếu đi bộ và có nhiều cơ hội quan sát toàn cảnh quần đảo Nam Du ở nhiều độ cao khác nhau, bạn sẽ có cảm xúc “đa chiều” hơn.

Quần đảo Nam Du thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 52 hải lý ‎về phía tây. Bình thường, nếu thời tiết tốt (không có bão) và tàu không hư hỏng thì lúc 9g mỗi ngày có một chuyến tàu từ Rạch Giá đi Nam Du.

Hai con tàu luân phiên đi Nam Du đều neo đậu tại cửa sông Rạch Giá nằm song song với đường Nguyễn Công Trứ.

Toàn cảnh của Hòn Lớn và 20 hòn đảo đều trong tầm mắt. Ngay dưới chân Hòn Lớn, phía đông là trung tâm xã An Sơn - một làng chài khoảng 300 nóc nhà chạy dọc theo mép biển dài 2km; phía tây là làng chài bãi Ngự với khoảng 200 nóc nhà núp bóng dưới những rặng dừa xanh và hàng trăm chiếc tàu đánh cá nhỏ dập dềnh trên sóng. Cách 3,5 hải lý về phía đông là đảo Hòn Ngang với nhà cửa, tàu thuyền san sát nhau như một thành phố nổi trên biển.

Khi màn đêm buông xuống, ngọn đèn hải đăng xoay tròn quét tia sáng cực mạnh. Phóng tầm mắt ra xa, đêm mênh mông trùng trùng. Gió biển lồng lộng. Sao trời dày đặc. Đèn điện của những làng chài như những “tảng sao” dập dềnh, trong đó, vượt trội về mật độ, trông Hòn Ngang như dải ngân hà của biển cả.

Từ cầu cảng Hòn Lớn, đi theo chiều kim đồng hồ, chỉ cần 30 bước chân bạn sẽ tiếp cận một ghềnh đá rất đẹp được tạo ra từ vô số tảng đá như nham thạch. Những tảng nham thạch cháy nham nhở được nghệ sĩ có tên sóng biển miệt mài gọt đẽo hàng vạn năm tạo thành những tác phẩm điêu khắc sinh động.

Hầu hết bãi biển của các đảo thuộc quần đảo Nam Du chỉ toàn đá như nham thạch, duy nhất Hòn Mấu có hai bãi cát thoai thoải, trắng phau tuyệt đẹp

Phía sâu trong ghềnh đá gập ghềnh là căn nhà của gia đình ông Ba Đúng, ngôi nhà "rôbinsơn" duy nhất có mặt ở nơi hoang vắng này hơn 30 năm qua. Không gian quạnh quẽ bao trùm nối tiếp theo hàng kilômet những ghềnh đá qua hai địa danh bãi Đá Trắng và mũi Giếng Tiên.

Theo Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản Việt Nam, các đảo thuộc quần đảo Nam Du đều cấu tạo gồm hai hệ tầng, riêng hệ tầng đá thuộc hệ nguồn núi lửa fetsic gồm tufryolit và ryolit. Không chỉ ở phía tây Hòn Lớn mà khắp 21 hòn đảo của Nam Du đều có những ghềnh đá rất đẹp. Thuê ghe chạy vòng quanh và đi bộ khám phá ghềnh đá một số đảo, bạn sẽ thấy tuy giống nhau về cấu tạo địa chất, nhưng do địa hình khác nhau nên mỗi ghềnh đá đều có “cá tính” riêng, tạo cảm giác hứng thú khi thám hiểm.

Thi thoảng mới bất ngờ bắt gặp một căn nhà bên ghềnh đá hoang. Chỉ có 12 trong số 21 đảo có người sinh sống, và trong số đó có đảo chỉ có một vài “rôbinsơn”. Ra đảo từ 30-40 năm trước, vài tháng mới có một chuyến tàu khách, câu chuyện của những "rôbinsơn" về những trải nghiệm với phong ba sóng dữ, những cảm xúc tê tái khi thấy người thân đau ốm đột xuất, nỗi buồn cách trở quê hương, xa cộng đồng… sẽ làm không ít du khách xao lòng...

Từ Hòn Lớn qua Hòn Ngang mất 30 phút đi đò, mỗi ngày có hai chuyến xuất bến lúc 7g và 15g, giá 10.000đ/người. Muốn qua Hòn Ngang vào thời điểm khác hoặc muốn đến một hòn đảo nào khác bạn phải “bao” đò giá 50.000đ/chuyến. Nếu muốn thuê đò đi quanh quần đảo Nam Du, chỉ cần thỏa thuận với chủ đò.

Hòn Ngang là trung tâm xã Nam Du. Bến tàu Hòn Ngang có hàng ngàn tàu thuyền ghe xuồng và gần 60 lồng bè nuôi cá neo đậu không theo một trật tự nào. Bờ cảng là dãy nhà sàn trên cọc tre và bêtông san sát nhau chạy dài 2km. Chỉ có một con đường nhỏ chừng 1,5m, không có bất cứ loại phương tiện giao thông nào. Tại đây có khá nhiều phòng cho thuê, giá từ 10.000-20.000đ/phòng, rất tạm bợ so với một nhà trọ bình dân trong đất liền.

Khi vừa đặt chân lên nơi không một bóng dáng khách du lịch này tôi nghĩ sẽ không có nhà trọ, nhưng hỏi thăm người đâu tiên tôi gặp, anh ta chỉ ngay một nhà trọ gần cầu cảng và cho biết ở đây chỉ có phòng trọ cho những người từ đất liền ra đánh cá thuê hoặc buôn bán. Tôi thuê phòng giá 7.000đ/đêm. Một căn phòng bốn vách che bạt rách te tua, không khí bốc mùi khai dù nằm sát biển, gió lồng lộng. Sau vài ngày tham quan Hòn Lớn tôi mới biết cách đó 300m có một nhà trọ tươm tất hơn, giá cho thuê 30.000đ.

Khi đã thuê nhà trọ ở Hòn Ngang, dù thời gian của bạn có gấp gáp cỡ nào cũng đừng bỏ qua cơ hội tham quan Hòn Mấu nằm cách đó 20 phút ghe máy, bởi theo người dân chưa đến Hòn Mấu thì xem như chưa đến quần đảo Nam Du. Diện tích Hòn Mấu chừng 200ha, có một làng chài hơn 100 nóc nhà nằm gần như giữa hai bãi cát và ba bãi đá đều rất đẹp: bãi Bắc,bãi Chướng, bãi Đá Đen, bãi Đá Trắng và bãi Nam.

Ưu tiên hai dành cho Hòn Dầu với khoảng cách tương tự. Hòn Dầu tương đối lớn so với các đảo khác, rừng nguyên sinh chiếm 95% diện tích, còn lại là làng chài bãi Nhà - làng chài bình yên nhất ở Nam Du với 20 nóc nhà dưới 20 vườn dừa râm mát.

Sau khi tham quan tìm hiểu cách sinh hoạt đầy phóng khoáng đặc trưng của người dân Hòn Ngang, bạn có thể tham quan lồng cá bè để tìm hiểu cách làm lồng bè, nhân giống và nuôi cá. Và nếu bạn muốn thưởng thức các loại cá mú, cá bốp thì đề nghị với chủ bè...

Khi đến Nam Du, bạn nên chia cuộc thám hiểm của mình thành hai tour để tiết kiệm thời gian và kinh phí thuê ghe. Đầu tiên khám phá Hòn Lớn và thuê tàu "thám hiểm" những hòn đảo xung quanh như Hòn Nồm Ngoài, Hòn Nồm Giữa, Hòn Nồm Trong nằm ở phía nam; Hòn Dâm, Hòn Hàng, Hòn Mốc, Hòn Tre, Hòn Nhàn nằm ở phía bắc. Sau đó bạn thuê đò qua Hòn Ngang thuê nhà trọ, khám phá hòn đảo này và “thám hiểm” những hòn đảo xung quanh như: Hòn Dầu, Hòn Ông, Hòn Bờ Đập, Hòn Mấu…
Quần đảo Nam Du trên bản đồ du lịch tỉnh Kiên Giang (có thể bốn hòn đảo quá nhỏ nên đã không thể hiện trên bản đồ có tỉ lệ 1/210.000)

Dù ở Hòn Lớn hay Hòn Ngang, trước khi quyết định thuê ghe tham quan, bạn nên đứng quan sát xem chiếc nào có áo phao thì đúng là ghe chuyên đưa đò. Nếu đến một hòn đảo duy nhất và tham quan trong thời gian một giờ, giá khoảng 60.000đ/ghe trọng tải 5-7 người. Nếu tham quan nhiều đảo thì thỏa thuận với chủ đò.

Ở Hòn Lớn, vào buổi tối chỉ có một quán hủ tiếu nằm sát cầu cảng, giá bán 8.000đ/tô. Buổi sáng có khoảng mười quán bán cơm, bún, hủ tiếu. Buổi trưa không có quán ăn nào, trong khi Hòn Ngang có nhiều quán ăn hơn.

Dân quần đảo Nam Du đều dùng điện máy phát. Để không mất liên lạc với người thân và muốn có những bức ảnh lưu niện nơi “heo hút” này, bạn nhớ sạc pin điện thọai và máy ảnh hoặc máy quay phim khi máy phát điện hoạt động lúc 17g-22g.

Nếu đến nơi này từ tháng 1-4, thời điểm nước ngọt được xem như vàng, bạn nhớ tiết kiệm nuớc tối đa để chia sẻ nỗi khổ của người dân. Trong những ngày ở Nam Du tôi phải tự mua nước ngọt với giá 6.000đ/50 lít để sinh hoạt.
ĐĂNG KHOA
Nearby cities:
Coordinates:   9°40'58"N   104°22'38"E

Comments

  • Biển gọi 26/04/2009 2:00 Bao đời đứng trước biển, “mỗi người Việt Nam dù sống ở đâu, ngay cả ở trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không mỏi vỗ sóng vào bờ… Ngay cây rừng cũng mọc rậm rạp hơn ở hướng nhìn ra biển Đông và hướng nhà đâu đâu cũng quay về phía gió biển đến… Con mắt và trái tim chúng ta vì vậy sẽ không chỉ dừng lại ở đường bờ biển thường được biểu diễn bằng một nét vẽ mảnh ở trên bản đồ: những phần đất nổi và đất nằm dưới mặt biển mà chúng ta có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ rộng lớn hơn nhiều, và chúng ta phải có ý thức rõ ràng về điều đó. Đường biên giới của ta là bất khả xâm phạm”! Vào những ngày này, nhận xét ấy của GS Lê Bá Thảo, nhà khoa học địa lý hàng đầu của ta, tác giả sách Thiên nhiên Việt Nam xuất bản năm 1990 càng như tô đậm thêm và thức dậy niềm xúc động sâu xa về “cảm thức biển” trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn: “Biển sóng biển sóng đừng trôi xa. Bao năm chờ đợi sóng gần ta”... Biển sóng biển sóng đừng xô nhau. Ta xô biển lại sóng về đâu? Sóng bạc đầu và núi chìm sâu. Ta về đâu đó...”, “Biển có bâng khuâng gọi thầm... Bàn tay nghe ngóng tin sang”. Những rung động rất lạ trong cảm thức về biển của người nhạc sĩ tài hoa ấy bỗng trở nên giục giã, xao động mỗi tấm lòng yêu nước Việt Nam khi mà vấn đề biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa đang là vấn đề thời sự. Có thể những cảm thức kia mang tính riêng tư, nhưng thông thường, những tác phẩm nghệ thuật lớn luôn mang trong nó những thông điệp vượt thời gian, không gian và chủ định của tác giả. Ngư ông và biển cả của Ernest Hemingway là một ví dụ. Cảm thức biển của Trịnh Công Sơn cũng có dáng dấp của những thông điệp mang tính thời sự. “Bao năm chờ đợi sóng gần ta, ...Bàn tay nghe ngóng tin sang”! Rồi không chỉ là chờ đợi và nghe ngóng, chúng ta đang căng buồm, lướt sóng, đưa con thuyền đất nước ra khơi. Biển là một phần máu thịt của Tổ quốc, những biển đảo mà ông cha ta đã từng xác lập chủ quyền hàng mấy trăm năm nay là lãnh thổ thiêng liêng không thể xâm phạm. Lùi xa hơn nữa, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: năm 1161, “Lý Anh Tông sai đô tướng Tô Hiến Thành và phó tướng Đỗ An Di đem hai vạn quân đi tuần tiễu ở các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên cõi xa”. Năm 1171, vua “đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”. Năm 1172, “mùa xuân tháng 2, vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Và rồi mới đây, ngày 24.4.2009, UBND thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, huyện đảo trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và nay trực thuộc thành phố biển Đà Nẵng theo chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện. Nghi thức hành chính bình thường bỗng trở nên xúc động vì nó gợi nhớ đến cha ông ta bằng mồ hôi và máu của mình đã từng xác lập chủ quyền đất nước từ hơn ba thế kỷ nay kể từ thời các Chúa Nguyễn. Lễ “khao lề thế lính” ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tiễn các chiến binh trong “hải đội Hoàng Sa” đi làm nhiệm vụ chốn biển xa, nơi có “quần đảo Cát Vàng”, là một nghi thức cảm động nói lên ý chí và tấm lòng của người dân vùng biển nơi đây hiểu rõ về nghĩa vụ của mình. Liệu các hậu duệ của họ có hiện diện ở trong buổi lễ trọng thể hôm nay cùng với những người hiện đang sinh sống ở Đà Nẵng vốn là những nhân viên làm việc tại trạm thông báo khí tượng tại đảo Hoàng Sa trước năm 1975? Một quá khứ gần và một quá khứ xa đang hòa quyện vào trong mạch sống dân tộc đối diện với biển. Phải nghe cho được lời biển gọi, đó là lời của đất nước.
  • Quần đảo Nam Du là một quần đảo nằm phía Đông đảo Phú Quốc, trong vịnh Kiên Giang. Đơn vị hành chính là xã An Sơn thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Đảo hiện có xấp xỉ gần 9.000 nhân khẩu. Quần đảo gồm khoảng 20 đảo lớn nhỏ, đều là các đảo cấu tạo từ đá macma xâm nhập, gồm 2 dãy song song theo hướng bắc nam, cách bờ biển An Biên (Kiên Giang) 54 km về phía tây. Quần đảo có lạch sâu hơn 6 m, thuận lợi cho tàu và thuyền qua lại. Đảo Nam Du lớn nhất (khoảng 14 km2) và cao nhất (đỉnh 308 m). Các đảo còn lại nhỏ và thấp hơn: Hòn Giang, Hòn Mộc, Hòn Sau, v.v. Khí hậu chí tuyến gió mùa, mưa từ tháng 4 đến tháng 10. Khai thác lâm sản, đánh bắt hải sản và làm rẫy.
  •  101 km
  •  117 km
  •  272 km
  •  425 km
  •  789 km
  •  804 km
  •  895 km
  •  905 km
  •  918 km
  •  1057 km
This article was last modified 13 years ago