Xã Mường Hum

Vietnam / Mien Nui Va Trung Du / Lao Cai /
 commune - administrative division, draw only border

Mường Hum - bản sắc suối nguồn

Đất này đã nổi tiếng từ lâu với bài hát: “Suối Mường Hum còn chảy mãi”. Ngọt ngào chất liệu dân ca, nhạc sĩ đã khơi dòng cho cảm xúc về đất và người vùng cao mãi còn tươi mới. Cảm xúc về một địa danh làm cho ai cũng muốn khám phá, muốn đặt chân đến để thêm yêu thêm quý vẻ đẹp của quê hương đất nước mình. Đây Mường Hum - bản sắc suối nguồn.

Mường Hum có vị thế là trung tâm của cả khu vực cụm xã gồm 8 xã nằm ở phía Tây Bắc huyện Bát Xát. Trải qua nhiều biến động lịch sử, Mường Hum luôn giữ vai trò thủ phủ của vùng Tây Bắc Lào Cai. Cách Bản Vược - trung tâm huyện lỵ cũ của Bát Xát trước giải phóng có 24km, nhưng Mường Hum khá biệt lập với bên ngoài, do địa bàn xã nằm lọt trong thung lũng, bốn phía vây quanh là núi non điệp trùng, giăng hàng hiểm trở như thành lũy. Muốn vào Mường Hum phải vượt qua rừng già với nhiều đoạn đèo dốc, đoạn nào cũng xứng danh là “cổng trời”.

Mường Hum được mệnh danh là vùng đất tinh hoa của sự đoàn kết các dân tộc anh em trong khu vực, bởi từ lâu đời, đây được chọn là nơi đất lành chim đậu của nhiều cuộc thiên di. Cư dân sống trong thung lũng Mường Hum chủ yếu gồm có người Giáy, người Dao, người Mông và người Hoa. Câu nói: “đất lành chim đậu” được giải nghĩa rằng: Việc chọn làm nơi dừng chân hạ trại để tính cuộc mưu sinh lâu dài của các dân tộc anh em trước hết là do đặc điểm địa chất, nơi đây là ngã ba suối, tức là nơi tụ thủy. Xung quanh bốn bề là núi non vây bọc che chắn, tức là quần sơn. Tài nguyên thiên nhiên dồi dào cộng với sự yên hòa vốn có là những yếu tố quyết định cho đồng bào chọn làm nơi định cư. Mường Hum, từ địa thế hiểm trở và thơ mộng đã dần có thêm yếu tố đậm đà bản sắc, là điểm quần cư của nhiều dân tộc.

Với vị trí địa lý và vị thế chiến lược thủ phủ cụm xã vùng Tây Bắc, từ lâu các triều đình phong kiến luôn chú ý xây dựng và củng cố Mường Hum thành điểm phòng thủ quân sự và giao lưu thương mại lớn. Nơi đây còn ghi dấu tích những biệt thự - lâu đài cổ, những đồn bốt từ thời phong kiến cho đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên một khoảng đồi gần trung tâm phố chợ là một bãi cỏ bằng phẳng, tầm nhìn rộng. Trên đó, các thổ ty xưa đã lợi dụng sức dân để xây dựng nên tòa lâu đài quy mô hoàng tráng, làm nơi ăn chơi hưởng lạc, ngự trị bóc lột đồng bào quanh vùng. Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng, chúng biến nơi này thành đồn binh, nơi đóng quân của vài trung đội lính dõng, lính khố đỏ, có quan hai (tương đương trung úy) chỉ huy. Trước ngày có cách mạng, Mường Hum đã le lói ngọn lửa đấu tranh tự phát từ truyền thống bất khuất kiên cường trong lòng dân xứ này. Theo hồi ức của người có tuổi, thì thời đó, trai tráng người Mông Mường Hum đã theo tiếng tù và tập hợp của trưởng tộc Tráng Tả Dìn, bao vây đồn binh của thực dân phong kiến. Cố thủ trong lâu đài cổ hàng tháng trời, không dám ra đánh, quan quân địch tính kế mua chuộc, dụ dỗ anh em nghĩa binh bằng muối trắng và phẩm trật. Tức là chúng vừa hứa hẹn cho muối ăn, vừa cam đoan sẽ phong chức “binh thầu, séo phải” tương đương với xã đội, trưởng thôn trong hệ thống chính quyền tay sai phản động của chúng cho anh em. Do chưa được soi sáng bởi lý tưởng cách mạng, chưa biết lý luận về giai cấp và chính trị, nên cuộc khởi nghĩa của Tráng Tả Dìn đã tắt lửa, tuy nhiên sự kiện này đã thức tỉnh ý chí quyết không chịu làm nô lệ, mà ngay sau này, khi có Đảng lãnh đạo, các dân tộc anh em ở Mường Hum đều sớm giác ngộ và đi theo con đường cách mạng, lập những chiến công thầm lặng trong kháng chiến chống Pháp và tiễu phỉ. Dân tộc Giáy thì có người xung phong làm nuôi quân, người Dao và người Mông thì xung phong đi bộ đội, mỗi nhà đều là căn cứ cách mạng để góp phần vào cuộc kháng chiến. Từ đây xuất hiện những tấm gương Phàn Láo Sỳ cõng con đánh giặc, Tẩn Láo Ú - chiến sĩ du kích giỏi, Thào A Páo - chàng bộ đội người Mông đầu tiên được học lái ô tô. Cách mạng đã làm đổi đời vận mệnh của người và đất nơi này. Qua một thời kỳ khốc liệt, những trận đánh lớn thường diễn ra ở các khu vực xung quanh, như Đèo Mây giáp Lai Châu cửa ngõ phía Tây Bắc, đèo Yên Ngựa giáp Bản Xèo cửa ngõ phía Đông Nam. Riêng Mường Hum không bị hậu quả của bom đạn, điều này rất có giá trị trong việc gìn giữ môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực thung lũng.

Suối Mường Hum là tên gọi chung cho dòng chảy hợp lưu từ Piềng Láo và Nậm Pung Hồ chảy về. Dòng suối và tình yêu cuộc sống của cư dân bản địa là nguồn cảm hứng dạt dào cho nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết nên ca khúc nổi tiếng qua mấy chục năm nay. Suối Muờng Hum mang vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng. Có đoạn cường tráng, vạm vỡ, sung sức như chàng trai vừa trưởng thành, có đoạn lại nhu mì, hiền hậu, e ấp như thiếu nữ vừa biết buông tóc xõa làm duyên.

Mường Hum ngày nay, ngoài những khu canh tác ruộng bậc thang và trồng chè theo dự án cải thiện đời sống kinh tế, thì vẫn còn giữ được các cánh rừng nguyên sinh. Rừng tạo nên dáng vẻ thâm u huyền tích, giữ cho không khí trong lành, cho suối nguồn còn chảy mãi, cho mỗi nếp nhà dưới núi cao vách đứng được an lành, không bị tàn phá bởi những cơn giận dữ của thiên nhiên. Ý thức giữ rừng đã có từ lâu đời, khi đồng bào kiếm chất đốt thì chỉ dám đi nhặt những cành khô trôi nổi trên dòng suối. Ngày nay kết hợp với chính sách bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, màu xanh cây lá của Mường Hum càng mướt mát hơn, là gam màu chủ đạo trong không gian vốn dĩ đã thơ mộng này.

Giữa không gian ấy, phố chợ Mường Hum hiện lên thật thanh bình. Là địa thế trung tâm cụm xã, Mường Hum đóng vai trò quan trọng là đầu mối giao lưu kinh tế - văn hóa cho cả 8 xã trong khu vực. Ngày chợ phiên, nô nức đổ về đây biết bao sắc màu thổ cẩm, rực rỡ, phong phú đến choáng ngợp.

Các cô gái Dao Đỏ xúng xính trong bộ trang phục truyền thống. Trên đầu là chiếc khăn đính hàng trăm đồng tiền bạc, hàng chục dây chuyền bạc. Màu của đồ trang sức trên màu đỏ chủ đạo của khăn, màu chàm của áo làm nổi bật lên những gương mặt rạng rỡ, khỏe mạnh. Vẻ đẹp xuất lộ từ nét chất phác tự nhiên, từ nét lam lũ còn giấu trong ánh mắt nụ cười nhưng đầy tự tin hồn hậu.

Các cô gái Mông trắng thì diện những bộ váy áo rất khác lạ so với những ngành Mông khác mà nhiều người vẫn thường thấy ở Sa Pa, Bắc Hà. Về chơi phiên chợ Mường Hum này, từ lâu các thiếu nữ Mông đã được mệnh danh là “những bông hoa biết đi”. Bông hoa ấy mang sắc chàm xanh với vô vàn họa tiết, hoa văn tinh tế. Họa tiết hình xoắn ốc, hình rau dớn, hình cây cối chim muông hoa lá được kết tinh trên những mảng thổ cẩm, làm nên một bức tranh thu nhỏ của vạn vật thiên nhiên trên trang phục của mình. Trong các việc cần phải lo nghĩ, toan tính mua sắm những gì thiết yếu, bao giờ các cô cũng giành một phần để chọn cho mình chiếc gương soi. Vẻ đẹp của trình độ thẩm mỹ dân gian, biết làm đẹp cho bản thân cũng là đẹp cho cộng đồng xã hội.

Ở một góc chợ, người Hà Nhì từ núi cao Y tý xuống đã khẳng định sự tham gia vào thương trường, không như trước đây chỉ địu củi bằng trán và kiếm cái ăn trên mảnh rừng góc nương. Các chị Hà Nhì mang về chợ những hạt giống rau, ngoài ý nghĩa kiếm lợi còn có ý nghĩa sẻ chia những loại rau quý với anh em các dân tộc khác. Có chị thì mang theo trong thồ những con len, cuộn chỉ đầy màu sắc.

Chợ phiên Mường Hum biểu lộ tất cả sắc thái các dân tộc thiểu số cùng cư trú trên vùng đất này. Riêng màu sắc trang phục đã làm mê hoặc lòng người. Du khách quốc tế đến đây cũng không khỏi đi từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến thích thú và ấn tượng.

Mường Hum là vùng đất không những giàu tiềm năng kinh tế, mà còn chất chứa tài nguyên nhân văn còn rất ít được khám phá, điều này thật phù hợp cho một chiến lược phát triển có tỷ trọng kinh tế du lịch cao. Trong cả khu vực cụm xã, có nhiều địa điểm đáng đưa vào chương trình tham quan, tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc. Đơn giản nhất là loại hình du lịch tham quan chợ phiên, tìm hiểu nghệ thuật ẩm thực và du ngoạn tắm suối Mường Hum. Từ thành phố Lào Cai vào hoặc từ Sa Pa sang đều thuận tiện. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất của Mường Hum nói riêng và cụm 8 xã trong khu vực nói chung chính là đường giao thông. Tỉnh lộ này là con đường chưa được đầu tư xây dựng, vẫn chỉ là nền đường từ xưa để lại, trơ sỏi đá trên những đoạn dốc nguy hiểm. Tiềm năng có được khai thác trở thành hiệu quả kinh tế xã hội hay không, còn trông chờ vào yếu tố quyết định là con đường.

Trong điều kiện giao thông còn khó khăn, nhưng đường đến Mường Hum vẫn đưa ta đến một vùng thơ mộng, hơi đượm buồn vẻ bề ngoài nhưng lại rạo rực trong chiều sâu, bởi đời sống kinh tế có nhiều khởi sắc và văn hóa dân tộc đặc sắc được chú ý gìn giữ. Từ lịch sử xa xưa đến nay, Mường Hum vẫn xứng danh là đất lành, nơi suối nguồn còn chảy mãi.

Lời suối hát về vẻ đẹp một vùng non nước trữ tình, một vùng nhân văn đặc sắc của Lào Cai./.
Nearby cities:
Coordinates:   22°31'19"N   103°41'21"E
This article was last modified 6 years ago