Huyện Phong Điền (Thành phố Cần Thơ)

Vietnam / Dong Bang Song Cuu Long / Can Tho / Thành phố Cần Thơ
 quận, huyện  Thêm thể loại

Huyện Phong Điền là một huyện của thành phố Cần Thơ.
Huyện Phong Điền nằm ở tây nam của thành phố Cần Thơ, phía bắc giáp quận Ô Môn và quận Bình Thủy, nam giáp huyện Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang, tây giáp huyện Thới Lai, đông giáp quận Ninh Kiều và quận Cái Răng.

** Diện tích : 119,5 km2
** Dân số : 102.699 người (2007).

Các đơn vị hành chính :
Thị trấn Phong Điền
Xã Nhơn Ái
Xã Nhơn Nghĩa
Xã Tân Thới
Xã Giai Xuân
Xã Mỹ Khánh
Xã Trường Long.

Huyện Phong Điền dược thành lập theo nghị định số 05/2004/NĐ-CP ngày 2 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của các xã Mỹ Khánh, Giai Xuân (thuộc thành phố Cần Thơ cũ), xã Tân Thới thuộc huyện Ô Môn và các xã Nhơn ái, Nhơn Nghĩa, Trường Long thuộc huyện Châu Thành A.

Phong Điền là huyện nông nghiệp, huyện đã xác định cơ cấu kinh tế của địa phương trong những năm tới là: Nông nghiệp, Thương mại - Dịch vụ và Tiểu thủ công nghiệp. Trong quy hoạch phát triển tương lai của thành phố Cần Thơ, toàn huyện Phong Điền sẽ là vùng du lịch sinh thái miệt vườn sông nước phía Tây thành phố. Đây được coi như “lá phổi xanh” của thành phố Cần Thơ.

Thế mạnh trong nông nghiệp của huyện là cây ăn trái. Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Phong Điền, năm 2004 toàn huyện hiện có khoảng 6.000 ha vườn cây ăn trái đa chủng loại (chiếm hơn 50% diện tích đất tự nhiên). Huyện có trên 1.000 ha diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó có khoảng 40% diện tích chuyên sản xuất hoa màu trái vụ. Sản xuất màu là một trong những thế mạnh của Phong Điền và hàng năm đều đem lại lợi nhuận khá cao cho nông dân. Những năm gần đây, nội bộ ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch cơ cấu rõ nét, ngành chăn nuôi phát triển ngày càng mạnh. Năm 2009, toàn huyện có hơn 300 ha diện tích nuôi các loài cá sặc rằn, rô phi, trê vàng lai, lươn, ba ba và tôm càng xanh, cá tai tượng…Nuôi cá sấu là một trong những mô hình mới của nông dân huyện Phong Điền.

Khi huyện Phong Điền mới được thành lập, hầu hết trường lớp trên địa bàn đều cũ kỹ, xuống cấp. Năm 2009, khoảng 50% phòng học của huyện đã được kiên cố hoá; huyện có 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Phong Điền là một trong những đơn vị hoàn thành sớm kế hoạch xây dựng nhà vệ sinh và hệ thống nước diệt khuẩn ở các trường học theo chương trình chung của thành phố.

Huyện có chợ nổi Phong Điền và khu du lịch Mỹ Khánh là hai địa điểm nổi tiếng thu hút du khách. Đặc sản nổi tiếng của Phong Điền là cam mật. Vườn cam ở Phong Điền được lập từ những năm 1950 - 1960, và trở thành sản vật đặc trưng làm nền văn minh miệt vườn Phong Điền, sánh vai cùng các xứ vườn nổi tiếng khác, như Cái Mơn (Bến Tre); Cái Bè, An Hữu (Tiền Giang)... Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, là thời hoàng kim của cây cam mật Phong Điền. Đến tận bây giờ, dấu vết của thời hoàng kim vẫn còn, qua những ngôi nhà tường, nhà ngói khang trang nằm tỏa khắp các kinh rạch, bên dòng sông hiền hòa và vườn cây trái xanh um. Một thời, những trái cam chín mọng bóng da lươn, vị ngọt thanh, nhiều nước, mỏng vỏ đã đi khắp Việt Nam, còn được xuất sang nhiều nước trên thế giới. Chính cam mật, đã làm nên miệt vườn Phong Điền trù phú hàng thế kỷ qua.

Hằng năm, vào ngày 19 và 20 tháng Bảy âm lịch, Quảng Triệu hội quán tổ chức Vu Lan thắng hội tại nghĩa trang người Hoa ở huyện Phong Điền. Đây là một trong những lễ hội được tổ chức quy mô, thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Lễ hội Vu Lan thể hiện sự gắn bó bền chặt, tinh thần đoàn kết và sự giao lưu văn hoá giữa cộng đồng người Hoa và các dân tộc anh em trên đất Cần Thơ. Lễ hội có nhiều nghi thức và hoạt động đặc sắc, mang đậm tính nhân văn như: cầu siêu, báo hiếu, phát gạo cho người nghèo.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   9°59'54"N   105°39'40"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 10 năm trước