Huyện Châu Thành

Vietnam / Dong Bang Song Cuu Long / Ben Tre /
 quận, huyện, chỉ vẽ đường viền

Huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) nằm ở phía bắc tỉnh Bến Tre, thuộc cù lao Bảo:
phía Đông giáp với huyện Bình Đại; phía Đông Nam giáp với thành phố Bến Tre;
phía Tây và Nam giáp với sông Hàm Luông - ngăn cách với huyện Chợ Lách và huyện Mỏ Cày;
phía Bắc giáp với sông Tiền - ngăn cách với thành phố Mỹ Tho, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Diện tích: 228 km2, Dân số : 165.605 người

Các đơn vị hành chính :
Thị trấn Châu Thành
xã An Hiệp
xã An Hóa
xã An Khánh
xã An Phước
xã Giao Hòa
xã Giao Long
xã Hữu Định
xã Mỹ Thành
xã Phú An Hòa
xã Phú Đức
xã Phú Túc
xã Phước Thạnh
xã Quới Sơn
xã Quới Thành
xã Sơn Hòa
xã Tam Phước
xã Tân Phú
xã Tân Thạch
xã Thành Triệu
xã Tiên Long
xã Tiên Thủy
xã Tường Đa.

Đất Châu Thành ngày nay, vào năm 1779 một phần thuộc dinh Long Hồ (nam sông Ba Lai). Năm 1867, sau khi chiếm xong Nam Kỳ, thực dân Pháp chia Lục tỉnh thành 25 sở tham biện (inspection). Cù lao Bảo nằm trong sở tham biện Bến Tre, còn cù lao An Hóa nằm trong sở tham biện Kiến Hòa. Năm 1930, phần đất phía đầu cù lao Bảo nằm giữa sông Ba Lai và Hàm Luông được cắt ra, lập thành quận Sóc Sãi gồm 5 tổng, 27 làng.

Trước CMT8-1945, huyện Châu Thành gồm 5 tổng (Bảo Thành, Bảo Khánh, Bảo Hựu, Bảo Ngãi, Bảo Đức), chiếm phần phía tây cù lao Bảo, tính từ ranh giới các xã Phong Mỹ, Lương Quới, Lương Hòa ngược trở lên.

Sau CMT8-1945, Bến Tre đổi tên thành tỉnh Đồ Chiểu, đồng thời một huyện mới cũng được thành lập lấy tên là huyện Tán Kế, gồm một số xã của huyện Châu Thành và một số xã của huyện Ba Tri hợp lại. Huyện Tán Kế chỉ tồn tại đến năm 1948 thì giải thể, các xã bị cắt ra trước đó được nhập về huyện cũ. Cũng trong thời gian này, để việc chỉ đạo được thuận tiện, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh quyết định chia huyện Châu Thành làm hai: một nửa ngang từ xã Sơn Đông, Tam Phước ngược trở lên thành huyện Sóc Sãi (gồm 11 xã), phần còn lại vẫn gọi là huyện Châu Thành (gồm 25 xã).

Sau hiệp định Genèvơ (20-7-1954), chính quyền Ngô Đình Diệm tách cù lao An Hóa, sáp nhập vào Mỹ Tho như cũ. Cho đến tháng 6-1956, trong chủ trương chung điều chỉnh lại địa giới các tỉnh Nam phần của chính quyền Sài Gòn, cù lao An Hóa lại nhập với cù lao Bảo và Minh thành một tỉnh mới với tên là Kiến Hòa.

Về phía cách mạng, sau Đồng khởi (1-1960), Tỉnh ủy Bến Tre ra quyết định nhập hai huyện Sóc Sãi và Châu Thành thành huyện Châu Thành (mới). Đến tháng 7-1972 - thời kỳ bình định ác liệt của địch - lại có quyết định của Tỉnh ủy chia đôi huyện Châu Thành (mới) thành 2 huyện Châu Thành Đông và Châu Thành Tây.

Đến 1-4-1999, với diện tích tự nhiên 22.145 ha và số dân 162.294 người, Châu Thành thuộc loại huyện rộng trung bình của tỉnh, trong đó đất nông nghiệp chiếm 16.364 ha, bằng 72,4% diện tích tự nhiên. Nằm ở phía đầu cù lao, huyện Châu Thành có ưu thế lớn về nông nghiệp so với các huyện khác ở trong tỉnh, đặc biệt về kinh tế vườn. Tuy nhiên hằng năm, do ảnh hưởng của gió chướng, triều cường, những cánh đồng thuộc các xã phía đông huyện thường bị nhiễm mặn nhẹ.

Vào những thập niên đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức cũng đã nhận xét: “Huyện Kiến Hòa (trong đó có phần đất Châu Thành ngày nay) đất ruộng phì nhiêu, mênh mông bát ngát, nhiều người lo việc canh nông làm gốc, trong nhà có vựa chứa lúa gạo đầy rẫy, lại có đức tính trung hậu, cần kiệm, vui làm việc nghĩa, an lạc cùng nhau”. Cần lưu ý một điều là việc Trịnh Hoài Đức ca ngợi đất đai Kiến Hòa ”phì nhiêu, mênh mông bát ngát” đã cách đây 180 năm – cái thời mà toàn bộ tỉnh Vĩnh Long (trong đó có tỉnh Bến Tre ngày nay) số dân đinh chưa đầy 4 vạn. Từ đó đến nay, diện tích canh tác tăng không đáng bao nhiêu, trong khi đó dân số tăng lên hơn chục lần.

Hiện nay, mật độ dân cư của huyện Châu Thành thuộc loại cao nhất trong các huyện của tỉnh, trừ thị xã Bến Tre. Riêng số dân của huyện hiện nay đã nhiều hơn dân số của toàn tỉnh Bến Tre khi giặc Pháp vừa chiếm đóng, năm 1867 (dân số tỉnh Bến Tre có khoảng 130.000 người). Vả chăng độ phì nhiêu của đất ngày nay cũng đã biến đổi đi nhiều. Do đó, cái khái niệm “phì nhiêu, mênh mông bát ngát” hay “vựa lúa, rừng dừa, tôm cá đầy sông” cũng cần được nhận thức lại một cách tỉnh táo hơn, hiện thực hơn. Đúng là huyện Châu Thành có những ưu thế về kinh tế - xã hội so với một số huyện khác như đất đai, nước tưới, kinh tế vườn, nằm trên trục lộ giao thông thủy bộ, nơi cửa ngõ Bến Tre, nhân dân có kinh nghiệm sản xuất, có truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường. Rõ ràng là những tiềm năng về đất đai, sức lao động ở đây còn nhiều, nhưng tổ chức khai thác, huy động như thế nào đây để đẩy nhanh được tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng văn hóa của một huyện được mệnh danh là “Châu Thành” nghĩa là vùng ngoại vi của trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh, đó là một câu hỏi lớn đặt ra bức thiết, mà đáp số đang còn nằm ở phía trước.

Huyện Châu Thành không có điều kiện vươn ra biển cả để đánh bắt hải sản như Bình Đại, Ba Tri, hay trồng rừng, nuôi tôm cá nước mặn và lợ, nuôi nghêu như Thạnh Phú, Bình Đại.

Là vùng đất được khai phá tương đối sớm của tỉnh Bến Tre, huyện Châu Thành cũng là nơi còn ghi lại nhiều dấu vết lịch sử qua những địa danh, những thành ngữ, những truyền thuyết, truyện kể lưu truyền trong dân gian về công cuộc phấn đấu đầy gian lao của những thế hệ đầu tiên đi mở đất, như chuyện đánh cọp, diệt sấu dũng cảm và mưu trí.

Nhân dân Châu Thành cũng đã góp phần vinh dự của mình vào trang sử chống ngoại xâm ngay từ trận Rạch Gầm – Xoài Mút (1784) – nơi hơn hai vạn quân xâm lược Xiêm bị đánh tan tác trên sông Tiền (Theo sử liệu, một cánh quân Tây Sơn phục kích ở bờ nam sông Tiền, trong đó có các xã Tân Phú, Phú Ðức, Phú Túc). Trong cuộc khởi nghĩa do Thủ khoa Huân lãnh đạo (1875), nhân dân Châu Thành cũng đã góp phần công sức đáng kể. Chính vì vậy, sau cái chết của người anh hùng đất Mỹ Tho lúc bấy giờ, Thống đốc Nam Kỳ đã ra quyết định phạt vạ nhân dân 47 làng đã có người tham gia nghĩa quân, hoặc ủng hộ tiền bạc, lương thực, chứa chấp, nuôi nấng nghĩa quân, để răn đe dân chúng, trong đó có 3 làng thuộc Châu Thành .

Ngày nay, huyện Châu Thành cải tạo, trồng mới, đạt 5.020 ha dừa và 8.324 ha vườn cây ăn trái. Cơ cấu cây trồng cũng có nhiều chuyển đổi, đưa vào những giống cây có múi sạch bệnh như cam; quýt, loại dừa lai F1 cho năng suất cao ở các xã Tam Phước, Tường Đa, Phú Đức, Thành Triệu, chuyển từ nhãn long sang trồng nhãn da bò, nhãn tiêu ở xã Quới Sơn, Phước Thạnh, đưa sản lượng hàng năm đạt khoảng 100 tấn trái cây thương phẩm và khoảng 36 triệu trái dừa/năm.

Về kế hoạch thủy lợi, đến cuối năm 1999, huyện đã hoàn thành bê đao cồn Tiên Lợi (xã Tiên Long), cồn Khánh Hội (xã Tiên Thủy), các cồn thuộc các xã Phú Túc, Phú Đức, Quới Thành, Tam Phước, Tường Đa, Phước Thành, Phước Triệu, đem lại hiệu quả rõ rệt là nâng cao được chất lượng và năng suất các vườn cây ăn trái. Trong khi đó, cây lúa vẫn giữ được diện tích ổn định, trong đó có 1.000 ha lúa cao sản. Hai xã Tân Thạch và An Hiệp đã phát triển các nghề thủ công truyền thống như dệt chiếu, làm đồ mỹ nghệ từ sản phẩm của dừa, sản xuất bánh kẹo, thu hút 2.500 lao động, đa số là phụ nữ.

Điện đã vượt sông Tiền về ba cù lao Bến Tre từ cả chục năm nay. Huyện Châu Thành – nơi đặt trạm biến thế của tỉnh - được coi như là điểm tiếp nhận đầu mối. Hiện nay, điện đã kéo về tận 22 xã và thị trấn. Đã có 61% số hộ sử dụng điện cho thắp sáng, cho sinh hoạt và cho tưới tiêu, chế biến lương thực, thực phẩm cho người và gia súc.

Chăn nuôi gia súc cũng như nuôi tôm cá nước ngọt đã có bước phát triển đáng kể. Trong số 2.732 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, đã đưa vào sử dụng 661 ha nuôi tôm càng xanh và cá các loại. Sản lượng đạt 400 tấn/năm. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, tính đến nay ô-tô có thể về đến tận trung tâm 23/23 xã, thị trấn. Đang từng bước nhựa hóa và bê-tông hóa đường dẫn vào thôn, ấp... Nhiều xã đã xóa hẳn cầu khỉ.

Bộ mặt đời sống vật chất có bước thay đổi lớn, đời sống tinh thần cũng có bước tiến đáng kể. Từ một vùng bị bom đạn, chất độc hóa học tàn phá biến thành hoang hóa, nay là những xóm làng xanh tươi, khang trang, sạch đẹp. 27 ấp văn hóa đã được công nhận với những trường học các cấp, bệnh xá được ngói hóa. Huyện Châu Thành đã được công nhận là ngọn cờ đầu của tỉnh về chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng dân cư.

Tận dụng cảnh quan miệt vườn quanh năm xanh tươi với mùa nào trái cây ấy và cảnh sông nước hữu tình, các xã ven sông Tiền cùng các cù lao trên sông như Tân Thạch, Phú Túc, Tiên Thủy, Quới Sơn... đang phát triển du lịch xanh. Những kết quả ban đầu trong vài năm nay đang mở ra nhiều hứa hẹn về khả năng thu hút khách.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   10°17'19"N   106°17'47"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 9 năm trước