Quy hoạch Đại học Khoa học Tự nhiên (Thành phố Hồ Chí Minh)

Vietnam / Dong Nam Bo / Bien Hoa / Thành phố Hồ Chí Minh
 trường đại học  Thêm thể loại

Lược sử hình thành và phát triển của trường

Trường Cao đẳng Khoa học

Trường Cao Đẳng Khoa Học trực thuộc Viện Đại học Đông Dương đặt tại Hà Nội được thành lập theo sắc lệnh ngày 26/7/1941.
Tháng 10/1942 Trường bắt đầu tổ chức kỳ thi nhập học chứng chỉ M.G và chứng chỉ M.P.C tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
Năm 1947, một trung tâm thứ hai được thiết lập tại Sài Gòn và tọa lạc trên phần đất của bệnh viện Dejean de la Bâtie, nay là Bệnh viện Sài Gòn.

Trường Đại học Khoa học

Trong Bản Hiệp ước văn hóa Pháp - Việt, ký kết ngày 30/12/1949, Viện Đại học Đông Dương biến đổi thành Viện Đại học hỗn hợp Pháp - Việt lấy tên là Viện Đại học Hà Nội, gồm 2 trung tâm: một Trung tâm ở Hà Nội và một Trung tâm ở Sài Gòn. Viện này được quyền tự trị hành chính và tài chính, bắt đầu hoạt động từ tháng 1/1951 dưới sự điều hành của Viện trưởng người Pháp và được trợ giúp bởi một Phó Viện trưởng người Việt.
Ngày 12/11/1953, một văn bản của hai chính phủ Pháp và Việt nam đổi tên trường Cao đẳng Khoa học thành trường Đại học Khoa học (còn gọi là Khoa học Đại học đường), gồm một trung tâm ở Hà Nội và một trung tâm ở Sài Gòn.
Tháng 11/1954, trung tâm ở Hà Nội di chuyển vào nam và sáp nhập với Trung tâm ở Sài Gòn. Ban đầu gồm có các trường: ĐH Luật khoa, ĐH hỗn hợp Y-Dược khoa, ĐH Khoa học, Cao đẳng Kiến trúc, Trường dự bị Văn khoa. Bản Hiệp ước Văn hóa Việt-Pháp (30/12/1949) và sau đó là thỏa thuận bổ sung (08/01/1951) đã quyết định sẽ chuyển giao điều hành từ chính phủ Pháp qua Việt Nam.
Tháng 3 năm 1957, sau khi Viện Đại học Huế được thành lập thì Viện Đại học Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Viện Đại học Sài Gòn; cũng từ đó trường Đại học Khoa học được mang tên Trường Đại học Khoa học Sài Gòn.
13/10/1964, lúc 9g sáng đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng tòa nhà thuộc Trường Đại học Khoa học Sài Gòn tại khu Đại học Thủ Đức (cơ sở Linh Trung hiện nay), theo chương trình Viện trợ Văn hóa cho Chính phủ Việt Nam của Tân Tây Lan (New Zealand).
Trường Đại học Khoa học Sài Gòn được xem là trường khoa học cơ bản mạnh nhất lúc bấy giờ và là cái nôi nghiên cứu khoa học cơ bản. Trường đào tạo hệ đại học và sau đại học, tổ chức bảo vệ luận án "Tiến sĩ quốc gia" đầu tiên về Hóa học vào năm 1965, từ đó trường tổ chức đào tạo Bằng "Tiến sĩ quốc gia" và "Tiến sĩ Đệ tam cấp" trong các ngành khoa học.

Trường Đại học Tổng hợp Tp HCM

Được thành lập ngày 30/4/1977 theo quyết định của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp hợp nhất từ hai trường ĐH Văn Khoa và ĐH Khoa học (của Viện Đại học Sài Gòn cũ) với mục tiêu đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội, đào tạo giảng viên giảng dạy khoa học cơ bản cho các trường trong khu vực. Trường gồm 16 khoa: Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Địa lý, Địa chất, Ngữ văn, Sử học, Triết, Kinh tế, Thư viện, Anh, Pháp, Nga, Luật và Đông Phương học. Ngoài ra còn có 7 trung tâm NCKH - dịch vụ và sản xuất.

Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên

Được thành lập theo quyết định 1236/GDĐT của Bộ GD & ĐT ngày 30/3/1996 trên cơ sở tách ra từ Trường Đại học Tổng hợp Tp.HCM để tham gia vào Đại học Quốc gia Tp.HCM. Trường hiện có 9 khoa: Toán - Tin học, Công nghệ Thông tin, vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa chất, Môi trường, Điện tử - Viễn thông và Khoa học Vật liệu; 3 bộ môn trực thuộc trường: bộ môn Hải duơng - Khí tuợng và Thuỷ văn, bộ môn Ngoại ngữ và bộ môn Giáo dục thể chất; 7 phòng và 8 ban chức năng; 15 trung tâm nghiên cứu khoa học và sản xuất dịch vụ.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đang thực hiện các bước trong quy hoạch tổng thể của ĐH Quốc Gia TP.HCM tại Linh Trung - Thủ Đức, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.



**********


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
Giao quyền, trách nhiệm nhiều hơn cho ĐH Quốc gia TPHCM

Thứ Sáu, 27/04/2007 09:43
Tạo điều kiện tốt nhất cho ĐH Quốc gia TPHCM phát triển thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ không chỉ của cả nước, mà còn ở khu vực, quốc tế

Ngày 26-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với ĐH Quốc gia TPHCM. Thủ tướng đánh giá cao thành tựu trong 5 năm phát triển vừa qua của ĐH Quốc gia TPHCM và nhắc lại nhiều lần rằng ông có lòng tin mô hình này sẽ phát triển tốt.

Năm 2013, hoàn tất dự án xây dựng và phát triển ĐH Quốc gia TPHCM

Cuộc làm việc chỉ diễn ra vài giờ trong buổi sáng sau khi Thủ tướng và đoàn công tác đi thăm khu quy hoạch xây dựng ĐH Quốc gia TPHCM tại Thủ Đức - Dĩ An. Tuy vậy, rất nhiều vướng mắc trong thời gian qua của ĐH Quốc gia TPHCM đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành phải quyết liệt giải quyết.

Hiện nay, ĐH Quốc gia TPHCM đang gặp khó khăn về việc giải phóng 150 ha đất còn lại ở khu quy hoạch Thủ Đức - Dĩ An để khởi công đồng loạt nhiều công trình.

Sau khi nghe báo cáo tiến độ và nêu lên những khó khăn trong việc giải tỏa trong khu quy hoạch ĐH Quốc gia TPHCM, Thủ tướng đã chỉ đạo ngay: “Trong năm nay phải giải phóng xong mặt bằng trong khu quy hoạch ĐH Quốc gia TPHCM, giao địa phương (Bình Dương, TPHCM) làm chủ dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đến năm 2013, hoàn tất dự án xây dựng và phát triển ĐH Quốc gia TPHCM”. Đối với một số doanh nghiệp không chịu di dời, Thủ tướng đề xuất có thể cho giải thể rồi thực hiện chính sách đối với người lao động chứ không thể vì một, hai doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia.

Đầu tư giáo dục không thể dàn hàng ngang

- Tổng số CB-VC của ĐH Quốc gia TPHCM là 2.869 người với 2.020 cán bộ giảng dạy, trong đó có 470 tiến sĩ, 795 thạc sĩ, số GS và PGS là 190.

- Năm năm qua, ĐH Quốc gia TPHCM đã bảo đảm được đội ngũ và cơ sở vật chất để mở thêm 2 trường ĐH, 8 khoa chuyên ngành, số lượng ngành đào tạo ĐH và sau ĐH tăng 34%. Việc chuyển giao công nghệ rất hiệu quả, với 1 đồng vốn có thể nhân thành 3 đồng doanh thu.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết: ĐH Quốc gia TPHCM chưa phải là đơn vị xếp hạng cao về số GS, TS trong 14 trường trọng điểm quốc gia và số bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế cũng rất ít. Nghe như vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải xếp riêng 2 ĐH Quốc gia (Hà Nội, TPHCM) không nằm trong số 14 trường nói trên vì đầu tư phát triển giáo dục phải chọn mũi nhọn, không thể dàn hàng ngang đi lên. Thủ tướng vừa nói xong, lập tức hội trường vang lên tiếng vỗ tay đồng tình của các cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TPHCM.

Ngay sau đó, Thủ tướng giao ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì phối hợp các bộ liên quan rà soát lại quy chế hoạt động ĐH Quốc gia, nếu điểm nào chưa phù hợp thì bổ sung mới theo hướng phân cấp mạnh hơn nữa, giao quyền nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn để tạo điều kiện tốt nhất cho ĐH Quốc gia phát triển thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ không chỉ của cả nước, mà còn ở khu vực, quốc tế.

Thủ tướng mong muốn 2 ĐH Quốc gia phải nâng tầm hơn nữa, phải đào tạo làm sao để sinh viên tốt nghiệp đi nước nào làm việc cũng được, đó chính là đẳng cấp. Thủ tướng cũng nêu một thực tế đau lòng: Vừa qua các vụ kiện quốc tế ta đều phải thuê luật sư nước ngoài giá từ 3 đến 5 triệu USD vì sinh viên của ta nói còn chưa xong làm sao cãi với người ta.

Học sinh nghèo được miễn học phí

Theo ông Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, trong 5 năm tới, ĐH Quốc gia TPHCM tập trung cao nhất cho chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế; kế đến là xây dựng cơ bản và xây dựng đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, với nguồn vốn đầu tư vào ĐH Quốc gia khá lớn, Thứ trưởng Bành Tiến Long đã đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM phải làm rõ hiệu quả sử dụng, chẳng hạn phòng thí nghiệm công nghệ nano... và cần làm bài toán tự đánh giá đang ở vị trí nào so với khu vực, quốc tế, đến năm nào sẽ lọt vào top 500 trường ĐH tốt nhất của thế giới. Nhiều đại biểu từ các bộ khác cũng đề nghị ĐH Quốc gia TPHCM chọn lĩnh vực mũi nhọn để đầu tư tập trung vươn lên đỉnh cao.

Về vấn đề học phí, trong khi chờ quy định chung, có thể cho ĐH Quốc gia TPHCM làm thí điểm nhưng Thủ tướng yêu cần phải trình bày phương thức học phí đúng theo định hướng của Nhà nước để xã hội đồng tình: Học sinh gia đình nghèo (chiếm 18% cả nước) được miễn phí; học sinh gia đình cận nghèo (20%) được vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp...

Diệu Hằng

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sức mạnh mỗi quốc gia phụ thuộc vào trình độ dân trí, khoa học công nghệ; do đó các ĐH Quốc gia phải trở thành ĐH trọng điểm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Diệu Hằng
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   10°52'33"N   106°47'48"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 7 năm trước