Phố cổ Hà Nội (Ханой)

Vietnam / Dong Bang Song Hong / Ha Noi / Ханой
 Điểm tham quan - vui chơi, vốn của đất nước, old city (en)

Khu cổ Hà Nội là tên gọi thông thường của một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở ngoài hoàng thành Thăng Long. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Ngày nay khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Khu "Hà Nội 36 phố phường" là một cách gọi không chính xác của khu phố cổ, vì 36 phố phường là một cách gọi ước lệ khu vực đô thị cổ, nằm bên trong và bên ngoài cả khu phố cổ.

LỊCH SỬ
Khu dân cư sinh hoạt và buôn bán sầm uất này đã được hình thành từ thời Lý - Trần, nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Đầu đời đời Lê, trong sách Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến tên một số phường nghề tại đây. Dưới thời Lê, đặt phủ Phụng Thiên gồm hai huyện là Vĩnh Thuận và Thọ Xương, thì khu này nằm gọn trong bốn tổng Túc của huyện Thọ Xương là Tiền Túc, Hậu Túc, Tả Túc, Hữu Túc. Bên ngoài khu vực là vòng thành Đại La có trổ các cửa ô.

Thời Lê, giữa khu này có một số đầm hồ, lớn nhất là hồ Thái Cực. Sông Tô Lịch nối với hào thành, các đầm hồ, thông với hồ Hoàn Kiếm và sông Hồng cũng ở khu vực này. Đến cuối thế kỉ 19 thì các sông hồ đó hoàn toàn bị lấp, nhưng vẫn còn để lại dấu tích qua các địa danh: Hà Khẩu, Giang Khẩu, Cầu Gỗ, Cầu Đông.

Thời Lý - Trần, dân cư từ các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ tụ tập về khu vực này sinh sống, tạo thành khu phố đông đúc nhất kinh thành. Đến đời Lê, dần dần đã có một số Hoa kiều buôn bán ở đây, hình thành nên các khu phố Tàu.

Thời Pháp thuộc, sau khi lấp toàn bộ các đầm hồ, khu phố được chỉnh trang, người Ấn, người Pháp cũng đến đây buôn bán. Hai chợ nhỏ được giải tỏa để lập chợ Đồng Xuân, Đường ray xe điện Bờ hồ - Thụy Khuê cũng chạy xuyên qua đây.

Cho đến nay, đây vẫn là khu buôn bán nhộn nhịp nhất của Hà Nội. Tuyến phố đi bộ cũng được mở tại đây.

VỊ TRÍ
Theo quyết định số 70 BXD/KT-QH ngày 30 tháng 3 năm 1995 của Bộ Xây dựng, khu Phố cổ Hà nội có phạm vi được xác định[1]: phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật.

Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ.

Mặc dù các phố cổ của Hà Nội còn nằm cả bên ngoài khu vực này, nhưng do đây là khu vực tập trung phố cổ nhiều nhất và còn giữ được những đặc trưng nên chỉ khu vực theo quy định trên được gìn giữ, bảo tồn là khu phố cổ.

CÁC PHỐ NGHỀ
Đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ là các phố nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình. Các thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Và chính sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán một loại mặt hàng.

Hiện nay, một số phố vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc... Ngoài ra một số phố tuy không giữ nghề truyền thống, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, phố Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch...

Hàng Bông lấy theo tên đoạn phố chính Hàng Bông Đệm vốn có nhiều nhà làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm.
Phố Hàng Mã ngày xưa chuyên buôn bán đồ vàng mã để thờ cúng, bao gồm tiền giấy âm phủ, vàng giấy âm phủ, sau mở rộng thêm các tượng giấy hình các quan, hình nhà cửa... để cúng và đốt cho người âm (người chết). Ngày nay phố Hàng Mã tập trung nhộn nhịp vào các dịp lễ, tết Trung Thu, Nguyên Đán với các mặt hàng phong phú về đồ chơi. Ngoài ra, tại đây cũng là nơi bán đồ trang trí phông màn cho đám cưới với các hình cắt làm từ nguyên liệu giấy màu hay bọt xốp nhiều màu sắc.
Phố Mã Mây. Phố này nguyên bao gồm hai phố xưa: phố Hàng Mã và phố Hàng Mây[2]. Đoạn phố Hàng Mây nằm giáp phố Hàng Buồm, trên bờ sông Nhị, nơi tập trung thuyền bè miền ngược chở các mặt hàng lâm sản như song, mây, tre, nứa...
Phố Hàng Bạc do ông Lưu Xuân Tín được nhà vua cho phép mở lò đúc bạc thành nén cho triều đình[3], kéo người trong họ hàng và người làng Trâu Khê (hay Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang - Hải Dương) ra đây mở phường đúc bạc, thành lập trường đúc ở số nhà 58 Hàng Bạc.
Phố Hàng Đào là nơi buôn tơ, bán vải vóc (chữ vải điều chỉ màu đỏ được đọc chệch thành chữ đào)
Phố Hàng Lược nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá, vốn là nơi có nhiều nhà buôn bán lược: lược gỗ, lược sừng và sau này là lược nhựa.
Phố Hàng Chai không phải là nơi sản xuất, buôn bán chai lọ; phố này là một đoạn ngõ nhỏ nối phố Hàng Rươi và Hàng Cót, đây là nơi tập trung dân nghèo chuyên làm nghề thu lượm các đồ phế liệu, đồ bỏ (rác)
Phố Hàng Gà chạy từ phố Hàng Điếu đến phố Hàng Cót, vốn là nơi tập trung các cửa hàng bán đồ gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, gà tây...
Phố Hàng Chĩnh được người Pháp gọi là Rue des Vases (phố hàng Vại Chậu), vốn thông ra bờ sông, là bến đậu các thuyền chở vại, chậu bằng sành của làng Phù Lãng, nồi đất, chum vại, tiểu sành từ Hương Canh, bằng gốm từ Thổ Hà
Phố Hàng Đồng và phố Bát Sứ thời thuộc Pháp có tên chung là Rue des Tasses (phố Hàng Chén). Đoạn Hàng Đồng và Hàng Mã trước thuộc thôn Yên Phú, có nghề gốc bán đồ đồng như mâm, nồi, đỉnh, lư hương, lọ hoa, hạc thờ...

NHÀ CỔ & DI TÍCH
Một đặc trưng nữa của khu phố cổ là kiến trúc nhà cổ trong khu phố buôn bán. Những nhà cổ chủ yếu là nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán thò thụt không đều. Hình ảnh nhà cổ và mái ngói đã đi vào hội họa, thơ ca. Những ngôi nhà này chủ yếu được dựng vào thế kỉ XVIII - XIX, trước đó hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói.

Thời kì toàn quốc kháng chiến, để tránh đụng độ trực tiếp với quân Pháp và lính Lê dương, người dân và Vệ quốc quân đã đục thông tường từ nhà này sang nhà khác. Khi cần người ta có thể đi từ đầu đến cuối phố qua những lỗ hổng giữa các ngôi nhà mà không cần phải xuống đường.

Từ cuối thế kỉ XX, các nhà cổ dần dần biến mất. Thay vào đó là các ngôi nhà ống xây mới phá vỡ cảnh quan vốn có của phố cổ. Tuy vậy, bên trong các ngôi nhà vẫn là hệ thống đường đi chằng chịt.

Trong khu vực phố cổ có rất nhiều di tích lịch sử lâu đời, gồm đình, đền, chùa, hội quán.

Đình: mỗi phố nghề thường có một đình để thờ tổ nghề hoặc thành hoàng làng nguyên quán. Đình ở khu này đặc biệt là tầng dưới vẫn làm cửa hàng cho thuê, tầng trên mới làm nơi thờ cúng. Qua thời gian, các đình bị lấn chiếm nhiều, rất khó tìm ra dấu.
Đền: tương tự như đình, nhiều đền cũng chỉ đặt trên tầng, phía dưới làm cửa hàng. Một số đền còn giữ được là: đền Mã Mây, đền Nhân Nội, đền Bà Chúa,
Chùa: trong khu phố cổ còn một số ngôi chùa, tuy đã bị lấn chiếm nhiều: chùa Cầu Đông, chùa Kim Cổ, chùa Thái Cam.
Hội quán: khi người Hoa đến buôn bán, đã lập ra hai hội quán: Hội quán Quảng Đông và Hội quán Phúc Kiến.
Tại khu vực khu phố cổ xưa kia có các cửa ô: ô Phúc Lâm, ô Thanh Hà (ô Quan Chưởng), ô Trừng Thanh, ô Mỹ Lộc. Hiện chỉ còn lại ô Quan Chưởng là còn nguyên vẹn.

Chợ: Bên cạnh các phố nghề, khu phố cổ cũng có một số chợ để tập trung bán các loại hàng hóa phục vụ đời sống, như chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   21°2'1"N   105°50'55"E

Nhận xét

  • Rủ nhau chơi khắp Long Thành Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai. Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn Phố mới Phúc Kiến, Hàng Ngang Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà Qua đi đến phố Hàng Da Trải xem phường phố thật là cũng xinh Phồn hoa thứ nhất Long Thành Phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ.
  • Lịch sử khu đô thị Vào thế kỷ 15 Khu Phố cổ hay còn gọi là khu « 36 phố phường » nằm giữa khu Kinh thành và bờ sông Hồng. Vị trí lý tưởng cho việc thiết lập các hoạt động thương mại, các làng mạc vùng châu thổ đã xây dựng từ thế kỷ 15 những khu vực bán hàng trong mạng lưới các làng cổ. Những người làm chung một nghề tập trung lại một chỗ và lập ra một phường riêng. Vào thế kỷ 15, thành phố có 36 phường. Phần lớn các phố trong khu phố cổ đều là những nơi kinh doanh nhộn nhịp. Cơ cấu tổ chức xã hội và chính trị của phường phỏng theo hình thức làng truyền thống của quê hương những người dân đến lập nghiệp. Mỗi phường có các hoạt động riêng và ở dọc theo các bờ đê tạo thành các xóm có cửa đóng lại. Hiện nay người ta vẫn thấy những dấu vết thông qua tên phố mà mỗi phố sản xuất và bán một loại hàng. Mỗi phường đều có một ngôi đình và những đền riêng của mình. Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, thành phố hình thành một mạng lưới chợ chuyên biệt. Ở phía Đông là khu dân chúng, khu phố buôn bán là nơi tập trung các phường thủ công. Tại đây họ sản xuất các mặt hàng cao cấp và việc kinh doanh hết sức thuận lợi và thịnh vượng. Ở phía Bắc và phía Tây là các làng thủ công sản xuất các hàng sử dụng thường nhật cũng như các làng nông nghiệp. Khu 36 phố phường đã phát triển trong một khu vực nằm giữa nhiều ao hồ. Phía Bắc là sông Tô Lịch, Phía Đông là sông Hồng và Phía nam là hồ Hoàn Kíêm. Chợ đầu tiên cũng như khu dân cư đầu tiên được hình thành giữa chỗ sông Tô Lịch và sông Hồng gặp nhau. Cửa sông Tô Lịch làm cảng và có rất nhiều kênh rạch nhỏ nằm rải rác trong khu Phố cổ. Vào thế kỷ 19 Vào thế kỷ 19, mạng lưới đô thị được củng cố phát triển hơn và đến cuối thế kỷ 19, khu buôn bán này đã có được dáng vẻ riêng của mình với sự phát triển vào bên trong các ô phố. Khu Phố cổ bắt đầu được xây dựng. Cũng đến cuối thế kỷ này, kiểu xây dựng truyền thống Việt Nam hay Trung Quốc đã bắt đầu nhường chỗ cho kiểu kiến trúc thuộc địa Pháp. Đến những năm 50, kiểu hỗn hợp nghệ thuật-trang trí lại là nét chủ đạo được biết đến như một sự dung hoà của những toà nhà mới. Khu Phố cổ đang bị xuống cấp nhưng nó vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ mà chưa phải trải qua sự trùng tu nào đáng kể. Ngày nay Khu Phố cổ chứa đựng một di sản đô thị phồn thịnh nhưng từ 15 năm nay nó chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và kiểu xây dày đặc không theo một phong cách nào. Vóc dáng đô thị của khu Phố cổ ngày xưa đồng đều và được xây dựng thấp (kiểu nhà một tầng hoặc hai tầng) còn ngày nay là kiểu xây dựng hỗn tạp, phát triển không theo một lối thống nhất. Hiện nay, nhận thức được giá trị của khu Phố cổ, thành phố Hà Nội đang đưa ra các biện pháp để quản lý việc trùng tu khu Phố cổ và nâng cao giá trị, cùng hoà nhịp với sự phát triển kinh tế xã hội của khu Phố cổ.
  • Bất chợt Sài Gòn nhớ Hà Nội Bất chợt Sài Gòn mưa hè nhỏ giọt Lá me chưa kịp ướt, mưa dừng Bất chợt thèm nghe lanh canh, ly sấu ngọt Phố Huế vỉa hè, quán cóc... người dưng! Bất chợt mùa đông co mình Hồ Gươm lạnh Cây liễu rũ thả buồn tóc sương Sài Gòn, phương Nam cái nắng rất dễ thương Ta gói thế nào gửi cho em được? Chiều vào Bảo tàng, gặp Hà Nội xưa cũ Mắt người mở cõi nhớ Bắc Ta nhớ nhau ngày sương khói hồ Tây Cổ Ngư ơi xa lắc... Bất chợt Sài Gòn, cái hoa dầu quay tròn kỷ niệm Ghế công viên Thủ Lệ có ai ngồi Ta và em ở hai đầu đất nước Gửi hồn theo những cánh mây trôi Bất chợt Sài Gòn nhớ Hà Nội Đêm nghe một tiếng còi xa Mới đây mà nhớ Bắc Mưa ầm ào trên đường ray tàu qua Bất chợt, bất chợt và bất chợt Sáng nay gặp ở đường Nguyễn Huệ Một cành đào Nhật Tân Chao ơi mùa xuân xứ Bắc Ta mang mùa xuân đi và hứa sẽ mang về! Thân Sài Gòn, vương nhớ một vùng quê!... TRẦN VĨNH
  • Phố sớm Cây như còn ngái ngủ Sương giăng phố quáng đèn Nắng lung linh nghiêng gió Tiếng rao sớm lạ – quen Phố sớm đang chờ em Gánh hoa từ làng cũ Hương thì thầm nhắn nhủ Đường thức trong ánh đèn Ngã tư đong đầy gió Những tiếng khua rộn ràng Bộn bề từ ngõ nhỏ Trong vòng quay thênh thang Cửa ô đang mở mắt Phố còn ngái hơi sương Thu về vàng bông cúc Hương cốm bay ngát đường. HOÀI AN
  • Có phải gió Trường Sơn Về thăm chơi Hà Nội Hoa sữa thơm lừng Ngan ngát vị phong lan Hà Nội không mưa Cái lạnh buồn hơn gió Kỷ niệm dùng dằng Nỗi nhớ thêm sâu Hà Nội bâng khuâng vào thu dễ chịu Như tình em quen biết thuở ban đầu Có phải sông Hồng cát cồn dâu bể Nên Long Biên nỗi nhớ vươn dài Anh đi tìm em Hồ Gươm sóng trải Bỗng gặp bóng mình Phố cổ nhòa mưa Hà Nội hát Trong mùa thu có phải Hay ta về Nỗi nhớ cũng đi theo SƠN THU
  • 87 Mã Mây - nhà cổ trong lòng phố Được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX, ngôi nhà 87 phố Mã Mây đã trải bao biến cố thăng trầm lịch sử của thời gian, nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc cổ. Truớc năm 1945, chủ nhà là một thương gia gạo nổi tiếng đất Hà thành – ngôi nhà đã đón nhiều thương lái khắp mọi miền. Sau năm 1945, người chủ nhượng lại ngôi nhà cho một gia đình người Hoa giàu có làm nghề buôn bán và bốc thuốc. Người chủ mới chỉ gắn bó với ngôi nhà chưa đầy 10 năm thì di cư vào Nam, để lại ngôi nhà vắng chủ trong một thời gian dài. Đến năm 1999, ngôi nhà được trùng tu lại theo chương trình “Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội” – dự án giữa Tp. Hà Nội với Tp. Toulouse (Pháp). Nay, ngôi nhà là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong, ngoài nước và là địa chỉ tái hiện sinh động bức tranh toàn cảnh sinh hoạt, buôn bán tấp nập của “Hà Nội ba mươi sáu phố phường xưa”. Đến thăm nhà cổ 87 Mã Mây, du khách còn có dịp tìm hiểu kiến trúc, văn hóa, lịch sử của ngôi nhà và mua những mặt hàng thủ công truyền thống của các làng nghề cổ Việt Nam như: vòng, nhẫn bạc, tranh Đông Hồ, tượng tranh, bình, lọ gốm, tượng đồng, bàn ghế mây che đan, mặt nạ giấy, gỗ, lụa tơ tằm… hoặc nhờ ông đồ viết đôi câu để treo http://www.hailongtravel.com
  • Hiển thị tất cả bình luận
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 8 năm trước