Cây Dầu Đôi Diên Khánh

Vietnam / Duyen Hai Mien Trung / Nha Trang /

Cây dầu đôi bên thành cổ Diên Khánh (Khánh Hòa) đã hơn 200 tuổi. Cây gắn liền với ngôi miếu thờ Bình Tây đại tướng Trịnh Phong, là chứng tích lịch sử của Khánh Hòa. Cho đến nay vẫn chưa ai biết cây dầu đôi bên thành cổ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) được bao nhiêu tuổi. Chỉ biết từ khi thành Diên Khánh ra đời (năm Quý Sửu - 1793) thì đã thấy cây dầu đôi này vượt trội trên một thảm rừng già. Xưa kia, quanh vùng đất Diên Khánh toàn là những dãy rừng núi liên hoàn với rất nhiều thú dữ (cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận). Mùa xuân năm Quý Tỵ (1653) vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Tần, cai cơ Hùng Ngọc Hầu đã mở mang bờ cõi từ đèo Cả vào đến bờ bắc sông Phan Rang. Trong quá trình khai hoang, có lẽ người ta thấy cây dầu đôi cao lớn mang lại bóng mát cho mọi người, nên không ai nỡ chặt phá. Cây dầu đôi có một gốc to, rễ cuồn cuộn như những con trăn lớn uốn lượn trên mặt đất, nhưng thân thì tách ra làm đôi nên được gọi là "dầu đôi". Mỗi thân ấy ba bốn người nắm tay ôm không giáp vòng. Nhiều người kể rằng, lúc sinh thời, mỗi lần qua trại chăn nuôi Suối Dầu làm việc, khi ngang qua cây dầu đôi bác sĩ Yersin thường xuống xe để ngả mũ như chào một bậc cao niên. Qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử (từ thời Tây Sơn, Gia Long, rồi Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân cho tới nay), cây dầu đôi vẫn lặng lẽ như một người lính khổng lồ đứng gác bên thành cổ Diên Khánh. Cây đã chứng kiến bao trận chiến ác liệt giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh, giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thành Diên Khánh còn là nơi mà Bình Tây đại tướng Trịnh Phong dùng làm Tổng hành dinh để đánh Pháp trong phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi khởi xướng. Sau khi xử chém Trịnh Phong, giặc Pháp đã treo đầu ông trên cây dầu đôi này. Thương tiếc Trịnh Phong, nhân dân Khánh Hòa đã dựng miếu thờ ông tại cây dầu đôi và dân quanh vùng thường gọi đó là "Miếu cây đầu đôi". Miếu thờ Trịnh Phong cùng cây dầu đôi đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1991. Qua thời gian, đại lộ 23/10 đã bao lần được mở rộng, nâng cấp nhưng cây dầu đôi vẫn sừng sững giữa đại lộ, trước cửa ngõ dẫn vào thành phố Nha Trang. Không biết do tuổi cao, hay vì bê tông, nhựa đường vây phủ mà các nhánh rễ của cây dầu đôi đã chết dần thấy rõ. Trước nguy cơ này, tỉnh Khánh Hòa cũng đã có những văn bản nhằm bảo vệ cây dầu đôi như một di tích lịch sử bất khả xâm phạm. Trước thời điểm chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm Khánh Hòa 350 năm, UBND tỉnh trích 30 triệu đồng tiền ngân sách để bảo vệ cho cây dầu đôi. Nay cây đã cao tuổi, lâu ngày nên có mấy táng khô mục, không thể hồi phục được nữa. Sợ tuổi thọ của cây khó kéo dài, nên vào dịp mùa xuân năm 2004 này, Công ty môi trường đô thị Khánh Hòa đã trồng thêm một cây dầu đôi khác đứng kề bên để chuẩn bị thừa kế vị trí cho "lão" cây. Với truyền thống "yêu già quý trẻ" của người Khánh Hòa, hai cây dầu đôi này đều được nâng niu chăm sóc rất chu đáo. Cây dầu đôi là một chứng tích lịch sử độc đáo bên thành cổ Diên Khánh, mà còn là một biểu tượng kiên trung bất khuất trước mọi kẻ thù của mảnh đất và con người Khánh Hòa.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   12°15'25"N   109°6'29"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 13 năm trước