Huyện Gò Quao

Vietnam / Dong Bang Song Cuu Long / Rach Gia /
 quận, huyện, chỉ vẽ đường viền

Huyện Gò Quao là một huyện của tỉnh Kiên Giang.
Huyện Gò Quao phía bắc giáp huyện Châu Thành và huyện Giồng Riềng, tây bắc giáp sông Cái Lớn, ngăn cách với huyện An Biên, tây nam giáp huyện Vĩnh Thuận, phía nam giáp tỉnh Bạc Liêu, đông giáp tỉnh Hậu Giang.

** Diện tích : 439,47 km2
** Dân số : 148.555 người.

Các đơn vị hành chính :
Thị trấn Gò Quao
Xã Định An
Xã Định Hòa
Xã Thới Quản
Xã Thủy Liễu
Xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc
Xã Vĩnh Hòa Hưng Nam
Xã Vĩnh Phước A
Xã Vĩnh Phước B
Xã Vĩnh Thắng
Xã Vĩnh Tuy.

Huyện có quốc lộ 61 nối liền thành phố Cần Thơ - tỉnh Hậu Giang - tỉnh Kiên Giang; tuyến đê bao Ô Môn - Xà No; đường thủy phía Nam từ thành phố Hồ Chí Minh đi tỉnh Cà Mau; sông Cái Lớn nối liền đường thủy phía Nam ra cảng cá Tắc Cậu và đổ ra biển Tây Nam; đường Hồ Chí Minh nối liền quốc lộ 61 về Cà Mau, Năm Căn.

Ngày 20-05-1902, Pháp lập quận Gò Quao, thuộc tỉnh Rạch Giá, gồm 2 tổng là: tổng Kiên Định có 5 làng, tổng Thanh Biên có 7 làng. Ngày 24-11-1925, chuyển tổng Thanh Biên sang quận An Biên, quận Gò Quao còn lại tổng Kiên Định. Sau năm 1956, giải thể quận Gò Quao để thành lập quận Kiên Bình. Sau 30-04-1975, Gò Quao trở thành tên huyện của tỉnh Kiên Giang.

Gò Quao là huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Từ năm 2000 trở lại đây, tốc độ tăng bình quân trên 10%, cơ cấu từng lĩnh vực kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt và vượt kế hoạch, tỷ trọng Nông - Lâm - Ngư nghiệp giảm từ 62,47% xuống 55%, Công nghiệp - Xây dựng tăng từ 10,27% lên 14%, Thương mại - Dịch vụ tăng từ 27,26% lên 31%.

Gò Quao là địa bàn có nhiều đồng bào Khmer cư trú. Hàng năm lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào tháng 10 âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia đặc biệt là đồng bào Khmer. Rất nhiều lễ hội khác trên địa bàn huyện như lễ hội cúng đình rằm tháng giêng ở đình Vĩnh Tuy, các lễ hội tín ngưỡng dân gian khác...Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trong các ngày lễ này tạo không khí vui tươi, phục vụ đông đảo công chúng.

Những năm qua, ngành Văn hoá của huyện Gò Quao đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và tổ chức tốt đời sống văn hóa cho đồng bào. Hiện nay đã có nhiều đội Văn nghệ quần chúng được thành lập và hoạt động thường xuyên tại cơ sở. Một số đội văn nghệ của đồng bào Khmer được đầu tư các đạo cụ nhạc cụ truyền thống để đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Bên cạnh đó hệ thống các điểm biểu diễn văn hoá xã, các điểm đọc sách báo, hệ thống đài truyền thanh công cộng được xây dựng đã góp phần truyền tải thông tin và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện.

Gò Quao là huyện có nhiều dân tộc cùng cư trú: Kinh (67,56%) Khmer (30,56%), Hoa (1,95%), là 1 trong 3 huyện có đông dân tộc Khmer nhất ở tỉnh Kiên Giang.

Cùng với phát triển kinh tế, các chính sách về y tế, giáo dục trong vùng đồng bào Khmer cũng được quan tâm. Hiện trong huyện có 1 trường dân tộc nội trú quy mô đào tạo 250 học sinh. Các điểm trường phổ thông ở vùng đồng bào Khmer được đầu tư xây dựng khang trang, tỷ lệ trẻ em dân tộc Khmer trong độ tuổi đến trường đạt trên 96%. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng được quan tâm và thực hiện tốt. Bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế các xã và thị trấn đã được xây dựng và nâng cấp sửa chữa, trang thiết bị được cung cấp đạt chuẩn. Năm 2007, toàn huyện có 174 giường bệnh, trong đó bệnh viện huyện có 80 giường bệnh, có 11/11 trạm y tế có bác sĩ, 65/96 ấp có tổ y tế, 160 cộng tác viên, bình quân 1 vạn dân có 10 -1 2 giường bệnh, 10,63 cán bộ y tế và 1,75 bác sĩ, 10/11 xã - thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Huyện có 41 y bác sĩ dân tộc Khmer, tăng 15 người so với năm trước. Nhờ vậy, hằng năm có gần 37 ngàn lượt đồng bào dân tộc thiểu số được khám và điều trị bệnh. Đối với các hộ Khmer nghèo, huyện đã cấp 5.740 thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện nhiều chương trình y tế khác.

Ở Gò Quao, ai cũng biết đến sư Trần Nhiếp, thượng tọa chùa Thanh Gia, xã Định Hoà, 40 năm qua, nhà sư liên tục đi khảo sát, vận động, thiết kế xây cầu bê tông và xây nhà tình thương tại các xã nghèo trên khắp huyện. Tới năm 2007 đã có gần trăm cây cầu trị giá hàng tỷ đồng “mọc” lên ở các xã Vĩnh Phước, Định An, Định Hoà, Thủy Liễu...huyện Gò Quao và các xã khác ở huyện Giồng Riềng. Riêng huyện Gò Quao giờ đây đã không còn cây cầu khỉ nào.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   9°43'13"N   105°17'17"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 10 năm trước