Huyện Ba Tri

Vietnam / Dong Bang Song Cuu Long / Ben Tre /
 quận, huyện  Thêm thể loại

Huyện Ba Tri là một huyện của tỉnh Bến Tre.
Huyện nằm ở phía đông của tỉnh Bến Tre, phía đông giáp với biển Đông. Phía bắc huyện là con sông Ba Lai chia ranh giới với huyện Bình Đại, phía nam là sông Hàm Luông làm ranh giới với huyện Thạnh Phú và phía tây là huyện Giồng Trôm.

** Diện tích : 355 km2
** Dân số : 187.398 người.

Các đơn vị hành chính :
Thị trấn Ba Tri
xã An Bình Tây
xã An Đức
xã An Hiệp
xã An Hòa Tây
xã An Ngãi Tây
xã An Ngãi Trung
xã An Phú Trung
xã An Thủy
xã Bảo Thạnh
xã Bảo Thuận
xã Mỹ Chánh
xã Mỹ Hòa
xã Mỹ Nhơn
xã Mỹ Thạnh
xã Phú Lễ
xã Phú Ngãi
xã Phước Tuy
xã Tân Hưng
xã Tân Mỹ
xã Tân Thủy
xã Tân Xuân
xã Vĩnh An
xã Vĩnh Hòa

Nằm ở phía đông cù lao Bảo, phía bắc Ba Tri giáp với huyện Bình Đại, có chung ranh giới con sông Ba Lai, phía nam giáp huyện Thạnh Phú, có chung ranh giới con sông Hàm Luông, phía đông giáp biển (với chiều dài bờ biển gần 10 km), phía tây giáp huyện Giồng Trôm.

Vốn do phù sa của hai con sông Ba Lai và Hàm Luông bồi tụ nên, lại nằm sát biển, đất đai Ba Tri gồm những đồng ruộng, xen kẽ những con giồng. Vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Ba Tri vẫn còn phần lớn là rừng hoang và đầm lầy, nơi ngự trị những loài thú như cọp, heo rừng, khỉ, trăn, rắn, cá sấu, rái cá. Những giai thoại khá phổ biến về cọp, sấu lưu truyền trong vùng nói lên thực trạng đó. Những dải rừng ngập mặn là nơi cư trú của những loài thủy tộc tôm, cua, cá, sò, ốc và bên trên là các loài chim trời. Hiện nay, ở cồn Nhàn (còn gọi là cồn Chim), nơi một thời hội tụ hàng trăm loài chim, cò và dơi, kể cả các loài chim di cư tránh rét từ phương bắc đến hàng năm, chỉ còn lưu lại trong ký ức của người dân.

Do vị trí thuận lợi, nằm giữa hai cửa sông lớn, đất đai cao ráo, cho nên Ba Tri là một trong những điểm định cư sớm nhất của những lưu dân người Việt ở Bến Tre. Những tài liệu thu thập được qua những chuyến khảo sát gia phả của một số dòng họ trong vùng, kết hợp với những thư tịch cổ, cho thấy rằng từ đầu thế kỷ XVIII, đã có nhiều người miền Trung đến đây định cư, làm nghề biển và khai phá đất đai. Theo sử sách triều Nguyễn, vào năm 1742, dân cư ở đây cũng còn rất thưa thớt. Thái Hữu Xưa, người phủ Tư Nghĩa (thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) vào đây làm ăn và được cử làm cai trại đầu tiên của Ba Tri cá trại. Năm 1759, Thái Hữu Xưa xin lập làng, đặt tên là Bình Đông .

Vào cuối thế kỷ XVIII, cù lao Bảo thuộc tổng Tân An, châu Định Viễn, dinh Phiên Trấn. Sau khi Gia Long lên ngôi vua, có chủ trương sửa đổi, phân chia lại khu vực hành chính, thì châu Định Viễn được thăng lên phủ Định Viễn, cù lao Bảo là tổng An Bảo. Năm 1808, tổng An Bảo (tức cù lao Bảo) gồm 63 làng, trong khi đó, tổng Tân Minh (cù lao Minh) gồm 72 làng.

Đến triều Minh Mạng, 1832, tổng An Bảo được thăng lên huyện với tên mới là Bảo An. Đến năm 1837, nghĩa là sau khi lập xong “Địa bạ Minh Mạng”, thì huyện Bảo An được chia thành hai huyện: Bảo An và Bảo Hựu. Huyện Bảo An (mới) nằm ở phía đông cù lao Bảo, có diện tích gần tương đương với huyện Ba Tri ngày nay. Ranh giới của huyện Bảo An vào năm 1851 gồm: phía đông là cửa Ngao Châu (tức Bãi Ngao ngày nay), phía tây giáp huyện Bảo Hựu, phía bắc giáp huyện Kiến Hòa (gồm Bình Đại, Chợ Gạo thuộc tỉnh Định Tường), phía nam giáp huyện Duy Minh, phía đông giáp biển, có 5 tổng, 23 thôn, lỵ sở lúc bấy giờ đặt làng An Lái, gần rạch Cái Bông ngày nay.

Năm 1867, Pháp chiếm xong cả Nam Kỳ Lục tỉnh, phân định lại địa giới hành chính, thì cù lao Bảo và cù lao Minh (của tỉnh Vĩnh Long cũ) thuộc về tham biện (inspection) Hoằng Trị, lỵ sở đặt tại Mỏ Cày (thị trấn ngày nay), nhưng đến cuối năm này, Hoằng Trị lại chia thành 2 tham biện: tham biện Mỏ Cày (tức cả phần đất cù lao Minh) và tham biện Bến Tre (tức cả phần đất cù lao Bảo).

Ngày 1-1-1900, áp dụng nghị định của Toàn quyền Paul Doumer ký ngày 20-12-1899, các tham biện (inspection) và hạt (arrondissement) đổi thành tỉnh (province), tỉnh Bến Tre được thành lập gồm cù lao Bảo và cù lao Minh, có 21 tổng (bỏ cấp huyện).

Sau năm 1918, chính quyền thuộc địa phục hồi lại chế độ hành chính cấp quận (thay cho huyện), lúc bấy giờ Bến Tre chia thành 4 quận:

Cù lao Bảo: quận Châu Thành và quận Ba Tri.

Cù lao Minh: quận Mỏ Cày và quận Thạnh Phú.

Quận Ba Tri lúc ấy đặt lỵ sở tại làng An Đức gồm có 5 tổng và 26 làng.

Năm 1946, khi bước vào cuộc Kháng chiến chống Pháp lần thứ 2, phần đất tổng Bảo Hựu được tách ra, hợp cùng phần đất tách từ quận Ba Tri để lập một huyện mới, lấy tên là huyện Tán Kế (về sau đổi tên là huyện Giồng Trôm). Huyện Ba Tri là phần đất còn lại, gồm một thị trấn và 22 xã: Bảo Thạnh, An Thủy, Tân Thủy, An Hòa Tây, Vĩnh Hòa, Phú Lễ, Phú Ngãi, Phước Tuy, Tân Xuân, Mỹ Chánh Hòa, Mỹ Nhơn, An Ngãi Tây, Tân Hưng, An Phú Trung, Vĩnh An, Bảo Thuận, Mỹ Hòa với dân số 192.133 người (Tổng điều tra dân số tháng 4/1999).

Là huyện ven biển có cửa sông lớn Hàm Luông, Ba Tri có mối quan hệ giao lưu buôn bán với bên ngoài khá sớm. Chính đó cũng là điều kiện để con người ở đây có thể tiếp nhận những kinh nghiệm sản xuất, tổ chức đời sống cùng những phong trào chính trị, văn hóa từ những nơi khác đưa lại. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà hơn một trăm năm trước, Nguyễn Đình Chiểu đã chọn nơi này để “tị địa”, dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, sáng tác văn thơ kháng Pháp và làm điểm hẹn gặp gỡ của những bạn bè yêu nước trong điều kiện đôi mắt bị mù lòa.

Về phương diện văn hóa, Ba Tri cũng là nơi có một trữ lượng ca dao, dân ca phong phú, từ hò, lý, vè, nói thơ, hát bội đến điệu hát sắc bùa còn lưu giữ được ở xã Phú Lễ. Những cuộc khảo sát điền dã của Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết thêm Ba Tri có một trữ lượng sách Hán Nôm đáng kể nằm rải rác trong dân.

Đình Phú Lễ được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826) với lối kiến trúc quy mô và độc đáo cũng là một di tích văn hóa được xếp hạng của tỉnh.

Những nhân vật tiêu biểu như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản - người tiến sĩ đầu tiên của đất Gia Định, Sương Nguyệt Anh - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên làm chủ bút một tờ báo, tờ Nữ giới chung... không chỉ là những gương mặt văn hóa của địa phương mà là chung cho cả nước. Có lẽ cũng cần nhắc đến một gương mặt văn hóa khác tuy không phải là dân Ba Tri, nhưng đã được đông đảo sĩ phu Nam Kỳ kính trọng, đó là vị túc nho, người thầy giáo nổi tiếng Võ Trường Toản, mà hài cốt đã được các học trò của ông di dời về đất Bảo Thạnh, trong phong trào “tị địa”, lúc ấy (1862) vẫn còn là vùng tự do.

Là một huyện ven biển, đất đai Ba Tri chủ yếu là ruộng và giồng, không có vườn tược trù phú như các huyện phía tây. Ngoài nghề trồng lúa và nghề làm giồng, làm muối, đánh bắt hải sản, nhân dân ở đây, trước năm 1945, còn có nghề ươm tơ, dệt lụa. Lụa Ba Tri đã từng nổi tiếng trên thị trường Nam Kỳ. Do chiến tranh, nghề này đã bị mai một dần và cho đến nay chưa đủ điều kiện để phục hồi.

Ngày nay, huyện Ba Tri đẩy mạnh việc xây dựng các hệ thống thủy lợi phục vụ kinh tế-sản xuất. Vốn là một huyện ven biển, nước mặn, đồng chua chỉ thích hợp với cây chà là gai, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, đến nay 3/4 diện tích đất nông nghiệp Ba Tri được tưới nước ngọt. Chưa tính hệ thống thủy lợi ven sông Hàm Luông đang thi công, đến nay huyện Ba Tri đã có hệ thống kênh tưới chính dài 46,7 km và hệ thống kênh tưới nước gồm kênh Láng Sen, Bến Than, Vàm Hồ, An Bình Tây, Rạch Nò – Bà Hiền và kênh Giồng Quít. Một hệ thống đê ngăn mặn dài 42,85 km.

Nhờ hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh nên diện tích cấy lúa từ 17.000 ha ngày đầu giải phóng (1975), nay tăng lên 33.589 ha với năng suất bình quân 33 tạ/ha; có nơi năng suất đạt trên 5 tấn/ha. Nếu năm 1975 – 1976, sản lượng thóc của Ba Tri là 20.000 tấn thì nay đạt 110.807 tấn, tăng gấp 5,5 lần, chiếm khoảng 1/3 sản lượng thóc của tỉnh. Bình quân đầu người 577 kg thóc/năm.

Các công trình thủy lợi không chỉ phục vụ cho việc tưới tiêu các cánh đồng lúa, mà còn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt hàng ngày của người dân, tạo điều kiện để chuyển đổi đất giồng thành vườn tược xanh tươi, làm thay đổi môi trường sống. Cây ăn trái, cây mía, hoa màu đều tăng, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển đáng kể. Riêng đàn bò đã tăng lên 12.300 con.

Thế mạnh thứ hai của Ba Tri là thủy sản. Nếu năm 1976, toàn huyện chỉ có 300 tàu thuyền, phần lớn là loại nhỏ chỉ đánh bắt ven bờ, thì đến năm 2000, có 1.074 chiếc, với công suất 50.825 CV, trong đó có 115 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên, có thể đánh bắt xa bờ. Nếu những năm đầu sau giải phóng đạt trên dưới 3.000 tấn/năm, thì đến năm 2000, tổng sản lượng hải sản đánh bắt đạt 22.300 tấn, tăng hơn 7 lần.

Trước đây hầu như trong huyện không có tập quán nuôi trồng thủy, hải sản, thì nay có 1.873 ha nuôi tôm cá và 872 ha nuôi nghêu sò. Sản lượng thu: 300 tấn tôm, 1.608 tấn cá và 28.400 tấn nghêu sò mỗi năm. Sản lượng muối năm 1999 đạt 32.000 tấn. Thu nhập bình quân đầu người năm 1999 là 3.731.000 đồng. Số hộ nghèo trong huyện là 6.280, chiếm 15,22% số hộ trong huyện.

Về giao thông, tổng chiều dài đường bộ là 174 km (không kể đường xóm ấp). Ô-tô có thể đến trung tâm 23/23 xã trong huyện.

Điện lưới quốc gia phủ khắp 23/23 xã, thị trấn, có 25.918 hộ sử dụng điện, chiếm 65,27% số hộ trong huyện.

Tổng số máy điện thoại trong huyện là 2.726 máy, bình quân 100 người dân có 1,41 máy điện thoại.

Về y tế, huyện có một bệnh viện với 70 giường, các tuyến xã và khu vực có 130 giường; có 29 bác sĩ, 90 y sĩ, 6 dược sĩ và 46 điều dưỡng viên trung cấp; bình quân 1,5 bác sĩ trên 1 vạn dân.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   10°4'27"N   106°35'6"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 9 năm trước