Huyện U Minh Thượng - tỉnh Kiên Giang

Vietnam / Dong Bang Song Cuu Long / Rach Gia /
 quận, huyện, chỉ vẽ đường viền

Huyện U Minh Thượng là một huyện của tỉnh Kiên Giang.
Huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Kiên Giang, bắc giáp huyện Gò Quao, ranh giới là sông Cái Lớn, nam giáp huyện Thới Bình của tỉnh Cà Mau, tây giáp huyện An Biên và huyện An Minh, đông giáp huyện Vĩnh Thuận.

** Diện tích : 432.7 km2
** Dân số : 70.000 người.

Các đơn vị hành chính :
Xã An Minh Bắc
Xã Hòa Chánh
Xã Minh Thuận
Xã Thạnh Yên
Xã Thạnh Yên A
Xã Vĩnh Hòa.

Huyện U Minh Thượng, được thành lập ngày 10-05-2007, theo Nghị định 58-2007/NĐ - CP trên cơ sở điều chỉnh 7.135,82 ha diện tích tự nhiên và 18.843 nhân khẩu (gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Thạch Yên, Thạch Yên A) thuộc huyện An Biên; 13.376,67 ha diện tích tự nhiên và 10.877 nhân khẩu (gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã An Minh Bắc) thuộc huyện An Minh; 22.757,81 ha diện tích tự nhiên và 38.356 nhân khẩu (gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã: Minh Thuận, Vĩnh Hoà, Hoà Chánh) thuộc huyện Vĩnh Thuận.

Tiềm năng thế mạnh chính của huyện U Minh Thượng là Nông - Lâm - Ngư nghiệp, tài nguyên về quỹ đất, rừng; trong đó ngư nghiệp (nuôi cá đồng) có nhiều tiềm năng, nhưng chưa khai thác hết. Công nghiệp dịch vụ thương mại hầu như không có. Có thể nói, đây là huyện nghèo nhất của tỉnh Kiên Giang. Cây lúa và là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Tính đến tháng 09-2008, U Minh Thượng đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, năng suất đạt khoảng 5,2 tấn/ha, sản lượng 55.617 tấn; nâng tổng sản lượng lương thực toàn huyện lên 164.725 tấn, đạt 131% so với nghị quyết cả năm, trong đó xã Hoà Chánh, năng suất đạt 5,8 tấn/ha. Đồng thời, nông dân đã cải tạo nội đồng và xuống giống được 11.000 ha lúa đông xuân và lúa mùa, đạt 54,78% so kế hoạch. Sắp tới chính quyền địa phương và ngành chuyên môn sẽ hướng dẫn nhân dân điều chỉnh sản xuất giống lúa cho phù hợp từng vùng, nhất là đưa vào những giống lúa đạt năng suất chất lượng cao, kháng sâu bệnh.

Khó khăn lớn nhất của huyện hiện nay là: đất đai bị nhiễm phèn mặn nặng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống; chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, chất lượng hàng hoá nông sản thấp, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường.

Theo kế hoạch, U Minh Thượng sẽ được chia thành 6 tiểu vùng chính:
- Tiểu vùng 1: Du lịch sinh thái rừng gắn kết với phát triển khai thác du lịch vườn quốc gia U Minh Thượng (có các dịch vụ du lịch kèm theo).
- Tiểu vùng 2: Trồng tràm và nuôi ong lấy mật. Thương hiệu mật ong vùng U Minh Thượng đã nổi tiếng từ lâu, nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức, sản phẩm chưa có chỗ đứng trên thị trường, cộng với nguồn cá đồng tự nhiên thơm ngon, sẽ hấp dẫn khách du lịch.
- Tiểu vùng 3: Nghề nuôi cá đồng và các loại động vật hoang dã cần được phục hồi và phát triển, đáp ứng nhu cầu, nhất là áp dụng nuôi với công nghệ hiện đại từ giống, thức ăn, thuốc, chăm sóc gắn với chế biến đặc sản “mắm cá đồng” thương hiệu nổi tiếng của rừng U Minh.
- Tiểu vùng 4: Tận dụng thảm thực vật phong phú để chăn nuôi gia súc (trâu, bò thịt) từ nhỏ tới vừa để bổ sung nguồn thực phẩm tại chỗ và có thể cung ứng ra bên ngoài địa phương.
- Tiểu vùng 5: Trồng thêm các loại rau xanh, rau sạch, vừa nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa cung cấp rau xanh sạch cho 4 trung tâm du lịch lớn của tỉnh: Hà Tiên - Kiên Lương - Phú Quốc - Rạch Giá.
- Tiểu vùng 6: Vùng trồng mía khóm gắn với chuyển đổi cây trồng phù hợp trên địa bàn, cùng với việc phát triển hệ thống thủy lợi, giao thông và kết cấu hạ tầng.

Là huyện vùng sâu non trẻ nhất của tỉnh, kinh tế còn nhiều khó khăn nên hạ tầng xã hội cũng còn nhiều hạn chế. Phần lớn hộ dân sống trên địa bàn huyện đều thuộc diện nghèo, nhà ở tạm bợ, giao thông đi lại chủ yếu bằng xuồng, giao thông đường bộ rất hạn chế.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   9°37'31"N   105°8'25"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 12 năm trước