Cửa biển An Dũ (Thị Xã Hoài Nhơn)

Vietnam / Duyen Hai Mien Trung / Quang Ngai / Thị Xã Hoài Nhơn
 Cửa biển, cửa sông
 Đăng ảnh

Là cửa biển duy nhất của con sông Lại Giang khi đổ ra biển tại Hoài Nhơn.
Cửa biển An Dũ nằm ở cuối dòng sông Lại hướng ra đại dương mênh mông, là cửa ngõ chính toả ra các ngư trường, tạo thuận lợi cho tàu thuyền bà con ngư dân các làng cá Thạnh Xuân, Ca Công và xã Hoài Hương ra vào làm ăn sinh sống. Nơi đây là vị trí tiền tiêu rất quan trọng về mặt quốc phòng an ninh của huyện Hoài Nhơn và vùng phía Bắc tỉnh.
Thời kháng chiến chín năm, các đơn vị bộ đội ta thường về cắm chốt trên vùng cửa biển này vừa làm nhiệm vụ phát động toàn dân tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc toàn diện và trường kỳ, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu đập tan âm mưu của giặc Pháp lợi dụng lợi thế đường biển đổ bộ vào đánh phá, lấn chiếm vùng tự do của huyên Hoài Nhơn. Đây cũng là vùng tự do phía Bắc tỉnh và của Liên khu V.
Thời ấy, trên cửa biển này lúc nào cũng tấp nập thuyền bè của ngư dân đi khơi đi lộng chăn lưới bủa câu và đã cập bến đầy khoang cá bạc. Nguồn thực phẩm tươi sống hoặc đã qua chế biến tự cung tự cấp đó đã phục vụ cho nhu cầu của dân ta tại chỗ và trên các chiến trường. Cửa biển này còn là nơi lưu thông quá cảnh một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ các vùng tạm bị chiếm, kể cả số súng đạn lấy được của địch đưa vào tiếp tế bổ sung thêm khả năng củng cố an ninh quốc phòng và chiến đấu trên các chiến trường. Nhờ đó, vùng đất tự do của huyện Hoài Nhơn, của tỉnh và của liên khu V luôn được bảo vệ an toàn suốt trong chặng đường kháng chiến chín năm. Trong đó thị trấn Bồng Sơn được coi là "thủ phủ kháng chiến" của liên khu V thời bấy giờ. Nơi đây đã trở thành địa điểm tập kết chuyển quân, là vùng kho hậu cần tiếp tế cho các chiến trường, là nơi hoạt động của các cơ quan đầu não liên khu.
Sau hoà bình 1954, vùng cửa biển An Dũ bị Mỹ nguỵ chiếm đóng, bao vây kèm cặp gắt gao. Nhưng vào những đêm trời tối mịt mù mưa sa gió chướng, vẫn có những chiếc thuyền của ngư dân địa phương lặng lẽ âm thầm luồn lách những kẻ hở của địch vào ra cửa biển để đưa đón từng toán nhỏ lẻ cán bộ và bộ đội ta vào đất liền để bám đất bám dân, nhen nhóm, thổi bùng ngọn lửa cách mạng đấu tranh trong lòng địch. Từ đó những chiến công vang dội bằng những chiến thắng Đệ Đức - Bồng Sơn - Đồi Mười - Tam Quan, rồi tiến đến giải phóng huyện Hoài Nhơn, góp phần cùng quân dân miền Nam làm nên chiến công đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   14°29'30"N   109°5'51"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 13 năm trước