Tượng đài chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu

Vietnam / Duyen Hai Mien Trung / Qui Nhon /
 đài tưởng niệm, di tích lịch sử

Cách đây 42 năm, vào dịp Tết Ất Tỵ - 1965, nơi đây đã diễn ra trận đánh quyết liệt giữa ta và địch. Chiến thắng này đã tạo ra thế và lực mới trên chiến trường Phù Mỹ, Bình Định và cả Khu 5...

Mùa xuân năm 1965, để phối hợp với chiến trường toàn miền Nam và làm đòn bẩy tiếp tục tạo thế cho quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kèm giải phóng vùng nông thôn, đồng bằng trên địa bàn huyện Phù Mỹ, tỉnh và khu 5, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, Bộ tư lệnh quân khu 5 và Tỉnh ủy Bình Định, Bộ tư lệnh mặt trận A1 được nhanh chóng thành lập và đồn Dương Liễu (nay là đồi Sa Lem) được chọn làm điểm tiến công đầu tiên của quân và dân ta vào hệ thống bố phòng của Mỹ-Ngụy.

Vào lúc 0h30 phút đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 tết Ất Tỵ, lực lượng chủ công của Tiểu đoàn 2, thuộc Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) cùng bộ đội địa phương huyện Phù Mỹ đã bí mật, bất ngờ tập kích vào đồn Dương Liễu. Trong thời gian rất ngắn khoảng chừng 10 phút, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, địch không kịp trở tay, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gọn 1 đại đội Cộng hòa và 4 trung đội dân vệ, làm chết gần 200 tên, thu 170 súng và nhiều quân trang, quân dụng các loại. Tuyến phòng thủ của địch dọc đường số 1 ở phía Bắc Bình Định bị uy hiếp nặng.

Trước thất bại ở cứ điểm Gia Hựu (Hoài Nhơn) và đồn Dương Liễu , địch phản ứng trong thế cảnh giác. Sau 2 ngày thăm dò, ngày mồng 7 địch cho 2 tiểu đoàn Cộng hòa thuộc Trung đoàn 41 cùng 2 chi đội xe bọc thép M.113, có cả pháo binh và máy bay chiến đấu yểm trợ theo đường số 1 từ quận lỵ Phù Mỹ tiến ra Dương Liễu nhằm giải tỏa, tái chiếm. Trên đường kéo quân đến Đèo Nhông, vừa đi vừa dò dẫm, song chúng vẫn không phát hiện được lực lượng ta. Mặc dù, bom pháo địch bắn phá liên tục dọc theo 2 bên đường, gây một số thương vong, nhưng chấp hành nghiêm mệnh lệnh và chủ trương của trên, cán bộ chiến sỹ ta vẫn bình tĩnh chờ lệnh xuất kích. Đến 14 giờ cùng ngày, khi đội xe và bộ binh địch đi đầu chạm trán sát tuyến phục kích của ta tại Đèo Nhông lực lượng tiểu đoàn 1 đã nhanh chóng khép kín vòng vây quân địch bằng cách khóa đuôi tại Đá Dốc (Diêm Tiêu) và toàn bộ lực lượng chủ lực địch đều nằm gọn trong đội hình phục kích của ta và bị tấn công. Từ các điểm cao, hỏa lực của ta cấp tập nhả đạn vào đúng đội hình trung tâm của địch. Trận đánh diễn ra quyết liệt.

Tuy bị đánh bất ngờ nhưng với số đông, vũ khí trội hơn địch hung hăng chống trả khá quyết liệt. Các trận địa pháo của chúng cùng các tốp máy bay chiến đấu của địch nã pháo, bom bừa bãi xuống trận địa. Nhờ ý chí chiến đấu quả cảm của cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 3, càng về sau vòng vây của quân ta càng siết chặt. Các chiến sĩ ta với tinh thần mưu trí, dũng cảm áp sát đội hình địch, dùng chiến thuật cá nhân đánh giáp lá cà với địch. Đến 16h30 cùng ngày, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ trận địa, quân địch số bị chết, số bị thương nằm ngổn ngang trên đường. Số tàn quân ngụy, có cả cố vấn Mỹ còn lại chạy ra vòng ngoài bị du kích và đồng bào các xã Mỹ Trinh, Mỹ Phong truy bắt và tiêu diệt.

Như vậy, trong vòng 2 giờ chiến đấu tại Đèo Nhông ta đã diệt hơn 700 tên giặc, bắn cháy 4 máy bay và 2 chi đội xe bọc thép M.113, bắt sống 2 xe, thu toàn bộ vũ khí, khí tài và các loại quân dụng khác. Trong thời điểm này, tại cứ điểm An Lương án ngự phía Đông huyện lỵ, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Mỹ Chánh lực luợng dân quân du kích xã, thôn cùng quần chúng nổi dậy. Do thất bại ở Dương Liễu - Đèo Nhông, chiều mùng 7, phân đội M.113 gồm 3 chiếc cùng lính cộng hòa rút lên Phù Mỹ, xã Mỹ Chánh hoàn toàn giải phóng lại lần thứ 2.

Thừa thắng xông lên, quân dân khắp nơi trong huyện, trong tỉnh phấn khởi náo nức nổi dậy phá ấp chiến lược, phá tan kèm kẹp, giành quyền làm chủ, làm cho địch hoang mang lo sợ nhiều tên đào ngũ, một số ra trình diện với chính quyền cách mạng. Hơn 1 tháng sau chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu, ta đã giải phóng thêm 132 thôn và hầu hết các xã với 170.000 dân được hoàn toàn tự do.

Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu chứng minh sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực ta về nhiều mặt, khẳng định khả năng đánh tiêu diệt lớn trước quân chủ lực của địch được trang bị binh khí hiện đại. Đây cũng là chiến thắng mở đầu tiêu diệt lớn sinh lực địch trên chiến trường khu 5, góp phần tích cực cùng quân và dân cả nước đánh bại và làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, đưa cục diện cách mạng miền Nam chuyển sang bước phát triển mới.

Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu là mốc son chói lọi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Phù Mỹ, Bình Định. Với ý nghĩa to lớn đó, năm 1985 Đảng bộ Phù Mỹ đã khởi công xây dựng tượng đài-công trình di tích lịch sử có tầm cỡ quốc gia mang tên Chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu ngay trên vùng đất đã xảy ra trận đánh và được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Hằng năm, vào ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch được coi là một trong những ngày hội truyền thống lịch sử của nhân dân Phù Mỹ và Bình Định với Lễ hội Chiến thắng Đèo Nhông-Dương Liễu.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   14°14'39"N   109°4'31"E

Nhận xét

Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 7 năm trước