Huyện Giồng Trôm

Vietnam / Dong Bang Song Cuu Long / Ben Tre /
 quận, huyện, chỉ vẽ đường viền

Huyện Giồng Trôm là một huyện của tỉnh Bến Tre.
Huyện Giồng Trôm nằm khoảng giữa cù lao Bảo:
đông giáp huyện Ba Tri
tây giáp thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành
nam giáp huyện Mỏ Cày Nam, có ranh giới chung sông Hàm Luông
bắc giáp huyện Bình Đại, có ranh giới chung sông Ba Lai.

** Diện tích : 311.5 km2
** Dân số : 185.092 người.

Các đơn vị hành chính :
Thị trấn Giồng Trôm
xã Bình Hòa
xã Bình Thành
xã Châu Bình
xã Châu Hòa
xã Hưng Lễ
xã Hưng Nhượng
xã Hưng Phong
xã Long Mỹ
xã Lương Hòa
xã Lương Phú
xã Lương Quới
xã Mỹ Thạnh
xã Phong Mỹ
xã Phong Nẫm
xã Phước Long
xã Sơn Phú
xã Tân Hào
xã Tân Lợi Thạnh
xã Tân Thanh
xã Thạnh Phú Đông
xã Thuận Điền.

Địa danh Giồng Trôm được cấu tạo theo cách: đặc điểm của đất cộng với tên thực vật – một con giồng có cây trôm mọc - giống như sự cấu tạo các địa danh Giồng Tre, Giồng Mít, Giồng Dứa. Như vậy cái tên Giồng Trôm xuất hiện trên đất Bến Tre đã từ lâu, nhưng với tư cách là một đơn vị hành chính cấp huyện thì phải kể từ năm 1956. Sau tháng 8-1945, chính quyền cách mạng đã tách một số xã của huyện Ba Tri và một số xã của huyện Châu Thành, lập một huyện mới lấy tên là huyện Tán Kế, lỵ sở đặt tại Giồng Trôm, lúc ấy đang còn là một thị tứ nằm ở đoạn giữa tỉnh lộ 26, nay là tỉnh lộ 885. Cho nên cũng có thể coi huyện Tán Kế là tiền thân của huyện Giồng Trôm sau này.

Nền đất được cấu tạo từ phù sa của hai con sông lớn Ba Lai và Hàm Luông, lại được tưới tắm bởi một mạng lưới sông rạch chằng chịt, Giồng Trôm có thế mạnh của một nền kinh tế nông nghiệp đa dạng.

Tuy nhiên, trước đây, mảnh đất trù phú này vẫn không nuôi nổi số dân cư ít hơn ngày nay gấp nhiều lần. Nông dân đa số sống rất khổ cực, nhiều người cơm không đủ no, áo không đủ mặc, nhà cửa lụp xụp, đa số thất học. Nguyên nhân một phần do chính sách áp bức, bóc lột của địa chủ, cường hào và các loại tay sai khác của bộ máy thống trị phong kiến và thực dân, nhưng những tiềm năng của đất đai, sông nước chưa được khai thác và tận dụng hợp lý. Sống trên mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi mà con người vẫn đói nghèo. Thế hệ nông dân ngày nay khoảng 60 tuổi trở lên, phần nhiều đã nếm trải những thủ đoạn cướp vườn, cướp đất, cho vay nặng lãi, hà hiếp đánh đập, vu khống và những hình thức bóc lột nông dân từ trắng trợn đến tinh vi của những địa chủ như bà Ba Ngỡi (Lê Thị Nghĩa), cai tổng Tường (Châu Văn Tường), huyện Muôn (Trần Văn Muôn), hội đồng Phẩm, hội đồng Cát v.v...

Ngay từ năm 1861, Giồng Trôm đã góp cho cuộc chiến đấu chống ngoại xâm buổi đầu người con ưu tú của mình Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng. Năm năm trời chiến đấu gian lao trong nghĩa quân Trương Định, cho đến phút hy sinh, ông đã tỏ ra là một người chỉ huy can trường, nhất quán lề lý tưởng yêu nước. Tên tuổi của Trương Tấn Chí gắn liền với trận đánh giáp lá cà ở Hương Điểm (xã Tân Hào) trong buổi đầu giặc chiếm đóng nơi đây, của Tán Kế gắn liền với cuộc khởi nghĩa ở vùng Ba Châu, Phong Mỹ, Phong Nẫm, năm 1875. Giồng Trôm cũng là quê hương của nhà thơ yêu nước nổi tiếng ở thế kỷ XIX Phan Văn Trị.

Ngày nay, đời sống của nhân dân có bước thay đổi đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt bình quân xấp xỉ 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 3,5 triệu đồng/năm.

Diện tích cây lúa hàng năm tuy có giảm (còn 13.000 ha), nhưng nhờ thay đổi giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong các khâu sản xuất, nên năng suất tăng khá nhanh, đưa sản lượng lương thực của huyện ổn định ở mức 58.000 tấn/năm.

Diện tích vườn dừa so với trước đây có giảm nhẹ (còn 9.800 ha), do một số vườn dừa lão phải phá bỏ, chuyển sang trồng cây ăn quả; hơn 1/3 diện tích dừa khác được tỉa thưa đúng kỹ thuật để trồng xen cây ăn quả theo hướng thâm canh tổng hợp, tạo nguồn thu nhập cao hơn gấp 3 lần vườn cũ. Hiện nay, sản lượng dừa của huyện đạt từ 65 đến 70 triệu quả/năm.

Diện tích mía đạt mức 4.500 ha, năng suất bình quân từ 60 đến 70 tấn/ha. Do giá cả sụt giảm mạnh, nên diện tích có xu hướng giảm dần. Người nông dân bắt đầu trồng xen dừa và cây ăn trái trên đất trồng mía. Phong trào nuôi tôm càng xanh, nuôi cá ở các mương và ao trong vườn đạt hiệu quả khá, sản lượng đạt 650 tấn/năm.

Công nghiệp, nhất là thủ công nghiệp phát triển khá. Ngoài một số nghề truyền thống như nghề làm bánh tráng, bánh phồng nay đã phát triển thêm một số ngành nghề mới như làm chỉ xơ dừa, than thiêu kết từ gáo dừa, đan giỏ, dệt lưới, ép dầu, thêu, khảm... hàng năm giải quyết cho hơn 2.000 lao động có thêm công ăn việc làm.

Cơ cấu hạ tầng cũng có nhiều thay đổi đáng kể. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hiện nay đã đưa điện về 100% số xã trong huyện, với 80% hộ sử dụng điện. Mạng lưới giao thông nông thôn đã có bước thay đổi nhanh chóng. Có 50% cầu bê-tông thay cho cầu khỉ, số còn lại là cầu gỗ tạm. Xe 4 bánh có thể về đến trung tâm 20 xã, thị trấn, tạo điều kiện cho việc đi lại và giao lưu hàng hóa phát triển nhanh. Mạng lưới bưu điện phủ khắp các xã trong huyện gồm 8 bưu cục, 9 bưu điện văn hóa xã, báo chí đã về đến xã trong ngày. Toàn huyện có 2.706 máy điện thoại, bình quân 1,51 máy/100 dân.

Cùng với những kết quả và những chuyển biến đáng kể trên mặt trận kinh tế, huyện cũng đã đạt được những thành tựu về các mặt văn hóa, giáo dục, xã hội. Người dân Giồng Trôm hôm nay không còn phải bận tâm nhiều về việc thiếu đói, mà bàn đến việc học hành, việc hưởng thụ văn hóa, việc xây trường, làm nhà ở đẹp v.v... Ngành giáo dục của huyện trong nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến. Đói nghèo, bệnh tật, thất học về cơ bản đã bị đẩy lùi một bước quan trọng. Nhiều công trình văn hóa, xã hội như trạm xá, trường học, nhà hát, nghĩa trang liệt sĩ đã được tôn tạo, xây dựng khang trang, tại thị trấn, các thị tứ và ở nơi trung tâm các cụm tiểu vùng. Nhà ngói mọc lên ngày một nhiều đã tạo nên một bộ mặt mới của nông thôn Giồng Trôm.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   10°8'45"N   106°28'26"E

Nhận xét

  • ada
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 10 năm trước