Cù Lao Chàm (ảnh)

Vietnam / Duyen Hai Mien Trung / Hoi An /

Cách Hội An 9 hải lý hướng đông bắc, gồm 8 đảo : hòn Khô Con, hòn Khô Mẹ, hòn Lá, hòn Mồ (Lụi), hòn Dài, hòn Lao (Biền), hòn Tai và hòn Ông (Nồm)




Cù lao Chàm có diện tích khoảng 15 km2, được gọi với những tên khác nhau như Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La, gồm nhiều hòn đảo lớn, nhỏ như: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô, Hòn Tai, Hòn Ông... Năm 2006, Cù lao Chàm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia... Giờ đây, Cù lao Chàm đã gần hơn với đất liền, trở thành địa điểm du lịch biển cực kỳ hấp dẫn...







Ngày nắng đẹp, từ Cửa Đại phóng tầm mắt là nhìn thấy Cù lao Chàm xanh sẫm như viên ngọc dưới ánh bình mình, bởi nó cách Cửa Đại 15 km, cách Hội An 19 km. Trên mặt biển xanh, nắng ban mai tung tẩy như reo cười. Gió vạm vỡ trẻ trung đi từng luồng từng luồng rát rạt trên mặt. Những chiếc ca nô phóng nhanh trên mặt biển kẻ những đường chỉ trắng muốt. Tàu chợ đông nghẹt khách chất chồng gồng gánh, xe cộ thủng thỉnh, dập dềnh rời bến. Những chiếc tàu văn hóa, tàu dịch vụ rực rỡ áo phao, khí tài lặn biển lặn, râm ran tiếng chuyện trò. Tàu thuyền như rượt đuổi nhau giữa mênh mông biển cả khiến cả một vùng trời nước xao động.




Nhộn nhịp Cù lao Chàm

Phan Văn Minh, giám đốc một công ty dịch vụ du lịch tư nhân ở Hội An, còn khá trẻ nhưng có thâm niên trong nghề dịch vụ du lịch ở Hội An đã hơn chục năm. Minh bắt đầu kinh doanh dịch vụ du lịch tuyến Cù lao Chàm 2 năm nay. Hiện công ty của Minh có 3 chiếc ca nô cao tốc hằng ngày thường xuyên đưa khách tham quan, lặn biển tại Cù lao Chàm. Sáng 8 giờ đưa du khách ra chơi đảo, tắm biển, lặn biển, thưởng thức hải sản tại Cù lao Chàm, 14 giờ 30 trở về đất liền. Có nhiều hôm khách đăng ký đông quá, ca nô của công ty không đủ, Minh phải liên hệ thuê thêm tàu, ca nô để chở khách. Từ Cửa Đại ra Cù lao Chàm ca nô chạy chỉ chừng 25 phút. Minh cho biết du khách có nhu cầu ra đảo Cù lao Chàm ngày càng đông, trung bình công ty Minh, một ngày đưa khoảng 50 du khách ra đảo.




Bóng nắng đi dần về phía núi. Cầu cảng Bãi Làng nhộn nhịp tàu thuyền ghé bến. Từng đoàn du khách chia thành từng tốp nhỏ đi tham quan những di tích lịch sử văn hóa trên đảo: Chùa Hải Tạng, giếng cổ... Có đoàn còn chịu khó lên suối Tình, tìm đến bãi đá xếp của người Chăm. Ngay sát cầu cảng là những gánh hàng đơn sơ của người dân địa phương bày ra trong xô chậu, thúng mủng: Những con ốc, cua, mực còn tươi rói; những cái bánh ít còn nóng hổi, vài ba mẹt hàng bày bán những vỏ ốc biển các loại, vỏ bầu khô, một bao đầy nhóc cây lá thuốc hái trên núi...




Thiên đường dưới đáy biển

Trong các hòn đảo ở Cù lao Chàm, Hòn Lao lớn nhất. Hòn Lao có Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương là những nơi mà người dân sinh sống hàng ngàn năm nay. Tại đây còn lưu giữ hàng chục di tích lịch sử văn hóa độc đáo có niên đại từ đầu thế kỷ XVIII đến nay. Ở đây cũng tồn tại những di tích tín ngưỡng thể hiện sự chuyển tiếp tín ngưỡng từ cư dân Chămpa sống trên đảo sang cư dân Việt. Ra Tết trên những sườn núi của đảo rực rỡ màu hoa ngô đồng, làm nên những tấm thảm đỏ nổi bật giữa sắc xanh của biển và cây rừng.




Theo số liệu điều tra khảo sát, hệ thực vật trên đảo có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 342 loài có ích, trên 60 loài có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau. Hệ động vật có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát... Trong đó có khỉ đuôi dài và chim yến là hai loài được đưa vào sách đỏ động vật Việt Nam. Người dân Cù lao Chàm cho biết, những con khỉ đuôi dài nghịch ngợm, rất thân thiện với người, đôi khi vào sáng sớm hay chiều tối chúng xuống đến sát biển chơi đùa.




Biển Cù lao Chàm trong xanh có thể nhìn thấy đáy sâu hàng chục mét. Làn nước trong vắt ấy như mời gọi ta xuống tắm, rồi phơi mình trên những bãi cát mịn tưng sạch sẽ. Cát ở đảo sạch đến độ, đặt lưng ướt xuống rồi nhổm dậy những hạt cát rơi xuống không bám chút bụi đất nào trên da. Bây giờ ra đảo ngoài việc tắm biển, ngắm cảnh, ăn hải sản như cua đá, vú nàng, ốc đá, sò, nghêu biển, thì có một thú vui không thể bỏ qua là lặn biển ngắm san hô.

Chỉ cần đi thuyền ra khỏi bờ chừng vài chục mét, khoác tấm áo phao, mang ống thở úp mặt xuống làn nước trong xanh là có cảm giác như mình đang lạc vào cõi thủy cung. Ở đó là những rừng san hô rực rỡ, sinh động, rập rờn như một cơ thể sống phập phồng dưới làn nước, những con cá lượn lờ, con sao, con ốc đủ hình thù, màu sắc làm mê đắm lòng người. Anh Dương Văn Dũng, một ngư dân trên đảo giờ là hướng dẫn viên lặn san hô, cho biết san hô và cá ở đây chỉ sống được với môi trường biển tại đây, đưa đến nơi khác chúng không thể sống nổi qua ngày. Những bãi san hô đẹp nổi tiếng ở Cù lao Chàm là Bãi Xếp, Hòn Tai, Hòn Dài, Hồn Mồ. Bãi san hô Hòn Tai đẹp nhất, lộng lẫy nhất nhưng cũng rất sâu, góp phần tạo nên thiên đường dưới đáy biển Cù lao Chàm.




Nhà hàng của anh Phương ở Bãi Chồng mới được dựng lên khoảng 2 năm nay. Vào mùa lặn san hô nhà hàng luôn đông khách. Bàn ăn bày tràn ra những tán cây rừng. Tây ta ngồi lẫn nhau thưởng thức những món hải sản độc đáo của biển. Khách thường thích thưởng thức những món ăn dân dã do chính người địa phương chế biến một cách đơn giản như rau rừng luộc, cá mực tươi hấp, nghêu nướng, cua đá luộc, canh chua...




Sức hút kỳ lạ

Sự hoang sơ, tinh khiết của biển đảo; sự thuần hậu, chất phác của người dân và vẻ đẹp bí ẩn dưới đáy đại dương của Cù lao Chàm đã tạo ra sức hút với du khách. Những chuyến tàu du lịch ra đảo có đến phân nửa là người nước ngoài, họ đi thành nhóm 3 đến 5 người, có rất nhiều cặp đôi ra đảo ở lại trên bãi biển hoang sơ vài ngày, tắm biển, phơi nắng, lặn san hô, đi dạo trên đảo, tối cắm lều ngủ ngay bên biển. Ông Lodovico Ruggeri, người Ý, đến Hội An năm 2000 và quyết định gắn bó lâu dài với Hội An. Cách đây 3 năm ông mở công ty dịch vụ chuyên chở du khách ra đảo.

Lodovico Ruggeri mê mẩn Cù lao Chàm, thích cuộc sống dân dã nơi này. Nói tiếng Việt như người Việt, Lodovico Ruggeri khá hòa đồng và thân thuộc với người dân nơi đây. Lodovico Ruggeri làm lễ cưới tại Hội An với một cô gái người Bỉ. Họ sinh một bé gái đặt tên là Hải. Bé Hải vừa tròn thôi nôi tại bãi biển Cù lao Chàm trong sự chứng kiến của ông bà ngoại và họ hàng từ Bỉ sang. Lodovico Ruggeri tâm sự, ông muốn gắn bó với vùng đất này cho đến cuối đời. Ông nói: “Tôi đặt tên con gái là Hải, vì cháu sinh tại Việt Nam. Tôi hy vọng và mong muốn con gái tôi sẽ là người Việt Nam, được khai sinh, lấy quốc tịch Việt Nam. Vợ tôi đang tích cực học tiếng Việt...”.




Buổi tối, ánh trăng trèo lên đỉnh núi rải ánh sáng bàng bạc xuống bờ cát mịn. Những con sóng lặng lẽ, nhẹ nhàng trườn lên bờ cát. Xa xa trên mặt biển lấp loáng những ánh đèn của tàu đánh cá. Con người như lẫn vào không gian huyền hoặc của biển. Trên bãi biển, đôi vợ chồng già người Bỉ-cha mẹ vợ của Lodovico Ruggeri ngồi tựa lưng vào nhau bên đống lửa trại và cất tiếng hát dặt dìu. Dường như họ tìm lại được tuổi trẻ của mình trong sự hoang sơ tinh khiết ở vùng biển này...




Đọc lại Nguyễn Tuân với Cửa Đại viết cách đây hàng chục năm mà khâm phục... Cửa Đại hoang sơ ngày ấy được Nguyễn Tuân ví như thiên đường so với các bãi biễn phía Bắc đã bị những người thị thành làm ô nhiễm. Tiếc là Nguyễn Tuân chưa ra Cù lao Chàm, ông chỉ mới ngắm cái chấm chàm lung linh ấy nơi biển xa mỗi khi bình minh thức dậy, vậy mà ông viết: “Vừa mới rời dân đã nhớ...”. Nhưng Cửa Đại còn hoang sơ thế thì Cù lao Chàm ngày ấy hẳn vợi xa... Bây giờ Cửa Đại không còn hoang sơ nữa có lẽ chỗ Nguyễn Tuân ngồi và tắm biển hiện giờ đã tọa lạc một resort nào đó thật nguy nga...




Kết nối giữa tự nhiên và di sản

Cù lao Chàm đang thức dậy sau giấc ngủ dài. Đảo giờ đã gần hơn với đất liền và trở thành điểm du lịch lý tưởng sau bao nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm đánh thức hòn đảo tĩnh lặng hoang sơ này. Tuy nhiên sự phát triển du lịch ở đây cũng đang thách thức sự bảo tồn sinh thái, thách thức vẻ đẹp quyến rũ, hoang sơ, e ấp của cô con gái nhà lành.
Cù lao Chàm hiện đang được Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam và TP Hội An tiến hành khảo sát và lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm-Hội An. Theo các nhà nghiên cứu khu dự trữ sinh quyển nơi này có một đặc trưng mà hiếm nơi nào ở Đông Nam Á có được đó là việc kết nối giữa tự nhiên và di sản. Theo phương án MAB Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP Hội An thống nhất đề cử khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm-Hội An, lấy Cù lao Chàm (cả Hòn Ông), khu đô thị cổ Hội An và vùng rừng ngập mặn Cửa Đại - 40.000 ha) làm “vùng lõi” với mô hình sinh quyển-con người-văn hóa.
Nearby cities:
Coordinates:   15°57'13"N   108°31'49"E

Comments

  • Hai chục năm trước, những hang yến trên các đảo Hòn Lao, Tò Vò, Cả, Hòn Tai... của cù lao Chàm – Hội An là vùng bất khả xâm phạm. Nhưng giờ đây, theo tour du lịch, bạn có thể tận mắt nhìn thấy những khe đá nứt thẳng đứng, có đáy ngập nước biển và gió mạnh, từng đàn chim yến về làm tổ và đẻ trứng Con tàu vòng qua phía đông đảo Hòn Lao, sóng đánh dữ dội vào từng vách đá khiến mọi người căng mắt mới thấy được hai anh công nhân đội khai thác yến sào Hội An đang vẫy tay chào mừng trên vách núi trong lúc cả đàn yến với vóc dáng như chim sẻ bay ra tới tấp từ cửa hang vách cao cũng tầm 50m. Gương mặt sạm nắng với ánh mắt xa xăm của những người “ăn sóng nói gió”, anh Nguyễn Vân, người “bám trụ” với nghề hơn 15 năm qua mô tả: yến đuôi ngắn chẻ đôi, cánh dài từ 115 – 125mm, chúng đi ăn từng đàn, vừa bay vừa đớp mồi trong không khí suốt 12 – 18 giờ với đường bay hàng trăm cây số. Khi làm tổ, loài chim này tiết ra một lượng nước bọt trong miệng rồi kéo thành sợi nhỏ, cuộn lại thành hình vỏ sò gắn trên vách đá. Lúc đầu tai yến có màu trắng mờ, rồi trắng đục, sau trở thành “già” thì nặng khoảng 10 gram. Gặp trực tiếp những người khai thác yến, hậu duệ của cư dân làng yến truyền thống Thanh Châu – Hội An với họ Hồ từng làm “quản lãnh tam tỉnh yến hộ” từ Quảng Nam vào đến Khánh Hoà dưới triều Nguyễn, chúng tôi mới hiểu được sự gian nan, vất vả của nghề khai thác “vàng trắng” xứ Quảng này. Mỗi năm chỉ khai thác yến từ 2 – 3 kỳ, mỗi kỳ 4 – 5 ngày nhưng suốt năm phải theo dõi sự thay đổi của đàn chim. Vào đầu mỗi mùa khai thác có từ 10 – 15 người chuẩn bị ghe, thuyền, đồ đựng, tre, sào, dây thừng, chĩa, vợt và cả lương thực thực phẩm “cắm trại” ngay trước hang chỉ có gió, sóng, chim và cái radio bầu bạn. “Nhớ vợ con cồn cào lắm, nhưng chấp nhận “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” mà”. Anh Vân thành thật tâm sự. Tháng tư là kỳ khai thác đầu tiên, mọi người dùng tre to, dài nối vào nhau thành một giàn khung trong hang, giàn cao có nơi bằng 2 – 3 cây tre ghép lại. Tiếp theo phải leo lên đỉnh hang kiểm tra, phun nước vào vách cho tổ yến mềm ra. Để lấy được tổ phải khéo léo, mạo hiểm treo mình trên mấy chục mét cao, thòng dây đu xuống lòng hang, lách mình qua các khe hẹp dựng đứng, nếu sơ ý là rơi xuống đáy hang sâu hoắm. Các hang ở đây khai thác được từ 1 – 1,5 tấn tổ/năm, được vệ sinh trước mỗi mùa sinh sản nên môi trường làm tổ sạch sẽ, chất lượng tổ tốt. Trước cửa hang đúc bệ chắn sóng hạn chế tác động mạnh làm rơi tổ, các khe nứt trên vách đá cũng được bịt kín tạo hang nhân tạo, tránh tình trạng nước dột làm ướt tổ, ướt chim và tăng diện tích làm tổ. Tổ sẽ được làm sạch bằng dao nhọn hoặc nhíp nhặt hết lông, phân chim, rêu và mùn đất bám, sau đó phân thành các hàng căn cứ theo kích thước, màu sắc, khối lượng gồm: huyết, hồng, quan, thiên, bài, địa, vụn. Quý nhất là yến huyết màu đỏ máu, kế đến là yến thiên màu hơi sẫm. Yến sào Hội An có uy tín và cao giá hơn Bình Định, Khánh Hoà và cả Singapore nhờ nấu không nát, tổ to, dày và hàm lượng dinh dưỡng siêu việt. 1kg yến ở các nơi có từ 100 đến 120 tổ, yến sào Hội An chỉ 60 tổ/kg. Một điều khá “trớ trêu” là cư dân cù lao Chàm và cả Hội An đang sở hữu nguồn lợi vô giá này nhưng có mấy ai được ăn, ngay cả trong cuốn sách Văn hoá ẩm thực Hội An cũng không thấy nói đến vì 1 lạng yến loại thường thôi đã dao động từ 5 – 7 triệu đồng. Đặt chân lên hang yến ở đảo Hòn Lao chừng một tiếng đồng hồ, mọi người trở lại tàu rời đảo trong ánh mắt bịn rịn của anh em đội khai thác. “Được tận mắt thấy chim yến làm tổ trong hang là diễm phúc lớn rồi” – nhiều người trong đoàn tham quan tự an ủi mình như vậy.
  • Biển gọi 26/04/2009 2:00 Bao đời đứng trước biển, “mỗi người Việt Nam dù sống ở đâu, ngay cả ở trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không mỏi vỗ sóng vào bờ… Ngay cây rừng cũng mọc rậm rạp hơn ở hướng nhìn ra biển Đông và hướng nhà đâu đâu cũng quay về phía gió biển đến… Con mắt và trái tim chúng ta vì vậy sẽ không chỉ dừng lại ở đường bờ biển thường được biểu diễn bằng một nét vẽ mảnh ở trên bản đồ: những phần đất nổi và đất nằm dưới mặt biển mà chúng ta có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ rộng lớn hơn nhiều, và chúng ta phải có ý thức rõ ràng về điều đó. Đường biên giới của ta là bất khả xâm phạm”! Vào những ngày này, nhận xét ấy của GS Lê Bá Thảo, nhà khoa học địa lý hàng đầu của ta, tác giả sách Thiên nhiên Việt Nam xuất bản năm 1990 càng như tô đậm thêm và thức dậy niềm xúc động sâu xa về “cảm thức biển” trong nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn: “Biển sóng biển sóng đừng trôi xa. Bao năm chờ đợi sóng gần ta”... Biển sóng biển sóng đừng xô nhau. Ta xô biển lại sóng về đâu? Sóng bạc đầu và núi chìm sâu. Ta về đâu đó...”, “Biển có bâng khuâng gọi thầm... Bàn tay nghe ngóng tin sang”. Những rung động rất lạ trong cảm thức về biển của người nhạc sĩ tài hoa ấy bỗng trở nên giục giã, xao động mỗi tấm lòng yêu nước Việt Nam khi mà vấn đề biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa đang là vấn đề thời sự. Có thể những cảm thức kia mang tính riêng tư, nhưng thông thường, những tác phẩm nghệ thuật lớn luôn mang trong nó những thông điệp vượt thời gian, không gian và chủ định của tác giả. Ngư ông và biển cả của Ernest Hemingway là một ví dụ. Cảm thức biển của Trịnh Công Sơn cũng có dáng dấp của những thông điệp mang tính thời sự. “Bao năm chờ đợi sóng gần ta, ...Bàn tay nghe ngóng tin sang”! Rồi không chỉ là chờ đợi và nghe ngóng, chúng ta đang căng buồm, lướt sóng, đưa con thuyền đất nước ra khơi. Biển là một phần máu thịt của Tổ quốc, những biển đảo mà ông cha ta đã từng xác lập chủ quyền hàng mấy trăm năm nay là lãnh thổ thiêng liêng không thể xâm phạm. Lùi xa hơn nữa, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: năm 1161, “Lý Anh Tông sai đô tướng Tô Hiến Thành và phó tướng Đỗ An Di đem hai vạn quân đi tuần tiễu ở các nơi ven biển miền Tây Nam để giữ yên cõi xa”. Năm 1171, vua “đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào”. Năm 1172, “mùa xuân tháng 2, vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về”. Và rồi mới đây, ngày 24.4.2009, UBND thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, huyện đảo trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và nay trực thuộc thành phố biển Đà Nẵng theo chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện. Nghi thức hành chính bình thường bỗng trở nên xúc động vì nó gợi nhớ đến cha ông ta bằng mồ hôi và máu của mình đã từng xác lập chủ quyền đất nước từ hơn ba thế kỷ nay kể từ thời các Chúa Nguyễn. Lễ “khao lề thế lính” ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tiễn các chiến binh trong “hải đội Hoàng Sa” đi làm nhiệm vụ chốn biển xa, nơi có “quần đảo Cát Vàng”, là một nghi thức cảm động nói lên ý chí và tấm lòng của người dân vùng biển nơi đây hiểu rõ về nghĩa vụ của mình. Liệu các hậu duệ của họ có hiện diện ở trong buổi lễ trọng thể hôm nay cùng với những người hiện đang sinh sống ở Đà Nẵng vốn là những nhân viên làm việc tại trạm thông báo khí tượng tại đảo Hoàng Sa trước năm 1975? Một quá khứ gần và một quá khứ xa đang hòa quyện vào trong mạch sống dân tộc đối diện với biển. Phải nghe cho được lời biển gọi, đó là lời của đất nước.
This article was last modified 13 years ago