Chùa Ông Bổn (Thành phố Sóc Trăng) | chùa phật giáo

Vietnam / Dong Bang Song Cuu Long / Soc Trang / Thành phố Sóc Trăng
 chùa phật giáo  Thêm thể loại

Chùa Ông Bổn - Hòa An Hội Quán (和安会馆)
Hòa An Hội Quán đầu tiên có tên gọi là Thất Phủ Miếu, xây dựng tại làng Khánh Hưng (tổng Nhiêu Khánh), quận Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vào năm Ất Hợi 1875 (triều Nhà Thanh vua Quang Trị năm thứ I). Năm Tân Hợi 1911, Thất Phủ Miếu được trùng tu lần 1, đổi tên thành - Hòa An Hội Quán - và được giữ nguyên đến ngày nay.

Ngoài ra dân gian còn quen gọi di tích này là Chùa Ông Bổn (Bổn Đầu Công) - cách gọi quen thuộc của người Việt đối với các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa thờ cúng Ông Bổn - người Hoa gọi “A Côn” để thờ ông Trịnh Ân, làm vị phúc thần (Cảm Thiên Đại Đế). Di tích Hòa An Hội Quán ngày xưa nằm trên đường Hàng Me (sau đổi thành đường Hàng Sao rồi thành đường Đại Ngãi) - là con đường trung tâm tỉnh lỵ thuộc làng Khánh Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Ngày nay, chùa Ông Bổn (Hòa An Hội Quán) qua nhiều lần trùng tu vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ và tọa lạc ở địa chỉ số 09, đường Nguyễn Văn Trỗi, Khóm 1, Phường I, thành phố Sóc Trăng, cách bưu điện trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng khoảng 700 m. Di tích này rất thuận tiện cho du khách đến tham quan về đường bộ cũng như đường thủy - cặp theo kênh Maspero ở bến đò Long Phú, trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Sóc Trăng.

Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp chiếm Sóc Trăng (năm 1867), chúng chia khu vực hành chính của tỉnh làm 10 tổng gồm 93 làng. Lúc này, tên làng thể hiện ước vọng tốt đẹp nhất của dân làng nên thường dùng những từ tốt đẹp như: phú, quý, bình, an, hòa, khánh, hưng, long… để đặt tên làng. Làng mới luôn đòi hỏi cơ sở công ích. Trước hết là lập chợ, sau đó là xây cầu, đắp lộ. Đồng thời thiết chế văn hóa đình, chùa, miễu… là nhu cầu tinh thần cơ bản của một làng. Riêng tại Sóc Trăng và thị xã (nay là thành phố) nói chung có cư dân người Hoa nên theo thế phong thủy của người xưa, khi xây dựng chùa Ông Bổn và chùa Ông Bắc (chùa Việt), họ chọn địa thế có hình “mạng nhện” nằm giữa làng Khánh Hưng thuộc tổng Nhiêu Khánh - là khu vực trung tâm kinh tế tỉnh Sóc Trăng thời bấy giờ. Trong cuốn “Truyện xưa tích cũ đất Sóc Trăng” của cố học giả Vương Hồng Sển - nhà văn hóa, khảo cổ lớn của miền Nam ghi lại: “vào thời điểm này, sau khi kinh xáng Maspero khởi công và hoàn thành vào năm 1911 đến năm 1920, chùa Ông Bổn nằm ở trung tâm chợ Châu Thành ở làng Khánh Hưng - cùng với chợ Bãi Xàu ở làng Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên) được phong là “Thị tứ đệ nhất hạng - cùng chợ Bố Thảo” (Mỹ Tú) và chợ Đại Ngãi (Vàm Tấn) là 4 chợ xưa nhất trong tỉnh. Đã có từ năm 1904 do một nghị định đề ngày 15/10/1904 của Thống đốc Nam kỳ đặt ra. Do có địa thế giàu tiềm năng kinh tế nên chùa Ông Bổn được người Hoa thời xưa xây dựng tổng thể kiến trúc theo hình chữ “Phú” – tượng trưng cho sự ấm no, phú quý theo quan niệm của người Hoa.
Khác với chùa Ông Bổn ở Lịch Hội Thượng (Long Phú) và nhiều ngôi chùa thờ ông Trịnh Hòa; thờ ông Châu Đạt Quan - làm quan triều nhà Nguyên (1260 – 1367) ở Quận 5, TPHCM và các tỉnh bạn; chùa Ông Bổn của người Hoa ở thành phố Sóc Trăng thờ ông Trịnh Ân tức “Cảm Thiên Đại Đế” làm vị phúc thần phù hộ cho mình. Tương truyền ông Trịnh Ân là vị phó quan khai quốc phong thần văn võ song toàn trong triều vua nhà Tống ở Trung Quốc. Ông lập được nhiều công lớn trong việc dạy dân bền chí làm ăn để khẩn hoang lập ấp và khuyên mọi người biết giữ đạo lễ nghĩa, thuần phong mỹ tục. Nhưng chẳng may ông bị gian thần hãm hại khép vào tội chết. Lúc xử trảm ông, đất trời cảm động trút một cơn mưa lớn, điểm vầng sắc hồng. Dân chúng trong vùng thấy điềm trời linh hiển nên càng tỏ lòng thương tiếc, họ lập miếu thờ ông làm vị phúc thần. Truyện này sau đó lan đến triều đình, khiến vua tỉnh ngộ, thương cảm phong sắc cho ông chức tước “Cảm Thiên Đại Đế” (lòng trung cảm động đến trời), tức là Ông Bổn được dân chúng sùng kính, tôn thờ đến ngày nay - nhằm thỏa mãn nhu cầu yên ổn tâm linh hơn là tu học thuyết giáo nhà Phật như các ngôi chùa Khmer, chùa Việt khác trong tỉnh.
Tích ông Trịnh Ân thờ trong chánh điện chùa Ông Bổn ở thành phố Sóc Trăng phảng phất màu sắc huyền thoại của truyện kể dân gian. Song, điều đáng quý là ngôi chùa Ông Bổn này còn gọi là Hòa An Hội Quán - vốn rất nổi tiếng của người Hoa ở Sóc Trăng được xây dựng cách nay 128 năm, với chất liệu toàn bằng đá, gỗ quý từ Trung Quốc chở qua. Di tích này được trải qua 7 đợt trùng tu nhưng vẫn giữ được những giá trị nghệ thuật kiến trúc.

Về Nghệ thuật kiến trúc: chùa Ông Bổn có mặt tiền chính diện hướng về hướng Nam, hai bên tả hữu tô đá rửa được nghệ nhân đắp chữ nổi bằng xi măng rộng khoảng 1 thước là 2 đại tự: “Tăng”, “Phước” - ngụ ý chúc bà con bá tánh hưởng thêm nhiều phước lộc - tạo thêm vẻ bề thế của ngôi chùa. Ngoài ra, ở bên hữu khuôn viên chùa còn có ngôi miếu nhỏ thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, tượng trưng cho thần Thổ Địa của địa phương.

Quan sát từ đỉnh hương lớn đặt giữa khuôn viên khá rộng của ngôi chùa, tổng thể kiến trúc di tích này có toàn bộ phần chân cột, đá xanh viên nền “Tam cấp” trong khu vực nội thất đến khung cửa chính của ngôi chùa… đều được các nghệ nhân người Hoa đời trước tạc bằng đá tảng từ Trung Quốc chở qua. Ngôi chùa được thợ xây dựng “Vân kim tam cấp” qua thước Lỗ Ban - theo hình chữ “phú” - tượng trưng cho sự sung túc, phú quý theo quan niệm của người Hoa.
Nghệ nhân điêu khắc Trần Văn Thanh nhận xét thêm: “Kiến trúc ngôi chùa này được người xưa xây dựng 3 đôn mái ngói xanh kế tiếp nhau đến gian chính điện…”. Đặc biệt qua đợt trùng tu sau này, ngôi chùa còn giữ nguyên hiện trạng đến 90% mái chùa lớp ngói ống âm dương màu xanh (ngói lưu ly) sản xuất ở Lái Thiêu là loại ngói cổ được người Hoa rất ngưỡng mộ và kính trọng để lợp mái các ngôi đình, chùa, miễu… - cùng với phần kiến trúc thẩm mỹ độc đáo bằng gốm tráng men màu của tượng “Bát tiên thí võ”, “Lưỡng long tranh châu”, “Mẫu đơn phụng”, hoa văn trang trí “Chỉ hoa cúc”… ở tả hữu mái ngói trước tượng trưng âm dương hòa hợp, sung túc, no đủ nên càng tôn thêm vẻ tôn nghiêm của ngôi chùa.

Trên bộ khung cửa chính tạc bằng đá tảng chính, ngoài bức biển đại tự cổ bằng đá được các nghệ nhân đời trước chạm khắc chữ “Hòa An Hội Quán” hoàn thành vào năm Tân Hợi 1911 (Triều nhà Thanh vua Tuyên Thống - Phổ Nghi năm thứ 3) là tên chữ của di tích được sơn son thếp vàng rực rỡ - Bên dưới bức đại tự còn có đôi lân bằng đá, người Hoa tín ngưỡng gọi là “Nhị lân quản ngỏ”, được các nghệ nhân tạo tác rất công phu sắc sảo dùng để đỡ bức đại tự. Tiếp đến là đôi cánh cửa gỗ bằng danh mộc họa hình tướng Uất Trì Cung, Tần Thúc Bảo (danh tướng đời Đường) làm hai vị thần hộ môn trông rất uy nghi, lẫm liệt.
Nội thất chùa Ông Bổn được xây dựng theo kiểu kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo Trung Hoa quen thuộc theo chữ “Phước”, tạo thành hình chữ nhật (chiều rộng 9,25 m x chiều dài 14,70 m). Đồng thời nhìn theo đường đá tảng viền nền rộng khoảng 2 tấc được lớp thợ xưa “phân kim tam cấp” tạo thanh tiền điện, trung điện và chính điện trong nội thất chùa. Ở khoảng trống hai bên trung điện được nghệ nhân Nguyễn Chinh xây bàn thờ bằng đá mài và đắp nổi hai bức tranh lớn bằng xi măng “Tả Thanh Long”, “Hữu Bạch Hổ” đúng theo thế phong thủy nên tại đây còn có hai khoảng trống thông thoáng gọi là “thiên tỉnh” (giếng trời). Nhờ có “thiên tỉnh” đã tạo cho không gian chùa khoáng đạt, tạo ánh sáng cho hậu cung của chánh điện và có chỗ thoát khói của trầm, hương được đốt khi cúng lễ đông người.
Ngay từ tiền điện, sau cửa ra vào, đến trước chánh điện thờ Ông Bổn có 5 đôi cột gỗ vuông, một đôi cột tròn (long trụ) vẽ hình rồng, 1 đôi cột tròn đỡ bức hoành phi chính, và 1 đôi cột vuông bên bệ thờ đều gắn những câu đố bằng gỗ quý có niên đại từ năm (1875 - 1912). Dưới mái ngói hướng vào chánh tẩm (chánh điện) là khu vực quan trọng nhất của ngôi chùa nên tại đây tập trung nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo như bao lam, hoành phi, câu đối chạm trổ tinh vi, vàng son rực rỡ… Đặc biệt nhất hiện nay chùa Ông Bổn thị xã Sóc Trăng còn lưu giữ, bảo quản hầu như nguyên vẹn 10 biển câu đối bằng gỗ quý và 10 bức hoành phi nằm ở tả hữu bàn thờ ông Phước Đức và bà Thiên Hậu Thánh Mẫu đều khắc Đại tự bằng tiếng Hán cổ được sơn son thếp vàng, chạm trổ khuôn viền tinh xảo với các đề tài trang trí như tứ linh, cá hóa long, rồng hóa long dây lá, mây hạc, tam giới cộng đồng, phước lộc thọ… có niên đại từ năm (1875 - 1912). Cụ thể như các bức hoành phi bằng chữ Hán cổ hoàn thành năm dân quốc thứ nhất vào tháng 3 năm Nhâm Tý 1912. Bức hoành phi “Hộ ngã đồng nhơn” (bảo hộ đồng bào) hoàn thành tháng 11 năm Nhâm Ngọ 1882. Đặc biệt là các bức hoành phi “Minh đức di hân” (chỉ có tiếng thơm của “Minh Đức” là trên hết) hoàn thành vào năm Quang Tự thứ nhất tháng 2 năm 1875 và bức hoành phi “Quản kết thiện duyên” (đoàn kết rộng rãi mọi người để làm việc thiện) hoàn thành vào tháng 9 năm 1875… là những bức hoành phi có niên đại cổ nhất cách nay gần 130 năm.

Theo nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Chinh đã từng thi công nhiều công trình điêu khắc, kiến trúc các ngôi chùa lớn ở các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM thẩm định giá trị nghệ thuật: “Ngoài ý nghĩa cầu cho “Quốc thái dân an”, “mưa thuận gió hòa”, “thánh thần phù hộ ban phước lành cho nhân dân”… thì riêng các phần điêu khắc chạm trổ khuôn viền các biển bức hoành phi (chạm 3 lớp) khám thờ chánh điện, tượng gỗ đỡ dàn cột kèo gồm 6 bộ cột vuông, cột tròn, bộ cột long trụ… đều do các nghệ nhân Trung Quốc sáng tác. Và đây là những tác phẩm điêu khắc tinh xảo, độc đáo “có một không hai” so với các ngôi chùa cổ khác ở ĐBSCL. Các công trình trên buộc chúng ta tưởng nhớ đến hàng chục nghệ nhân ngồi đục đẽo ròng rã hàng năm trời. Cái khéo léo là những tác phẩm độc đáo này được lớp nghệ nhân đời trước tạo tác rất công phu, dáng vẻ sinh động, thoát tục, hướng vào tín ngưỡng tâm linh trong cuộc sống nhân gian… chắc chắn lớp thợ đời sau có những tác phẩm đẹp đẽ như thế!... Ngoài ra Chùa Ông Bổn ở thị xã Sóc Trăng còn có nhiều cổ vật quý hiếm khác là các tượng gỗ thờ Ông Bổn, ông Phước Đức, Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu sơn son, thếp vàng rực rỡ; bộ lư quỳ cổ hình Thái Tuế, 3 bộ lư vuông, cặp hạc rùa ngậm hoa sen bằng kim loại màu… các bộ bàn thờ (quý tự) bằng gỗ quý đều được các nghệ nhân chạm khắc 3 lớp và dát vàng rất tinh xảo. Đặc biệt hơn nữa là nhờ ngôi chùa kiến trúc theo hình chữ “phú” với nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, độc đáo trang trí từ bên ngoài đến nội thất bên trong; nên chùa Ông Bổn thị xã Sóc Trăng được người Hoa ở Rạch Giá (Kiên Giang) rất ngưỡng mộ. Họ mời các nghệ nhân ở Sóc Trăng đo đạc theo nguyên trạng ngôi chùa để thiết kế, xây dựng từ kiến trúc tổng thể đến phần trang trí nội thất giống như khuôn mẫu di tích lịch sử, văn hóa độc đáo này của người Hoa Sóc Trăng để xây dựng thành ngôi chùa mới tại quê hương mình

Về Giá trị văn hóa: ngoài chánh điện thờ Ông Bổn, hai gian tả hữu thờ vị chính thần Phúc Đức và Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng nhiều phối tự thần linh khác; nên ngôi chùa không chỉ thu hút thiện nam tín nữ người Việt gốc Hoa ở “Ngũ bang” gồm các tỉnh Triều Châu, Quảng Đông, Phước Kiến, Hải Nam và Hẹ - địa phương giáp tỉnh Quảng Đông - Phước Kiến ở Trung Quốc đến Sóc Trăng sinh cơ lập nghiệp. Mà chùa Ông Bổn thị xã Sóc Trăng còn được đông đảo người Kinh, người Khmer địa phương thành tâm đến cúng bái trong những dịp rằm, lễ tết, ngày vía A Côn (ông Bổn) và tạ ơn chư thần phù hộ buôn may bán đắt, gia đình bình an.
Ngày xưa, nhờ đường phố chưa mở rộng, nhà cửa, dân cư thưa thớt nên Hòa An Hội Quán có khuôn viên khá rộng, chung quanh chùa trồng cây xanh rợp bóng mát. Nên vào những dịp lễ tết hàng năm, tại đây đều có mời những đoàn hát của người Hoa ở Chợ Lớn về đây biểu diễn phục vụ bà con địa phương. Ngày nay dưới sức ép của đô thị phát triển, khuôn viên chùa hẹp dần nên tại đây khó có điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật của đồng bào người Hoa. Nhưng đặc biệt trong những năm gần đây, ngoài những lễ hội truyền thống của người Hoa như Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ… và đến Tết Nguyên Tiêu, chùa Ông Bổn còn tổ chức cũng là một trong những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Hoa được lưu giữ và phát triển đến ngày nay.

Ông Huỳnh Phến - Hội trưởng chùa Ông Bổn phấn khởi cho biết: “Trong buổi lễ đấu giá lồng đèn này, ai cũng biết giá trị chiếc đèn lồng không cao. Nhưng trong ý nghĩa các câu chúc phúc của người Hoa, chúng tôi chỉ đặt 4 cây đèn như: “Hợp gia bình an”, “Sanh ý hưng long”, “Tài nguyên quản tấn”, “Kim ngọc mãn đường” thì ai cũng quý!... Có nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong thị xã đấu giá lồng đèn tới vài chục triệu đồng!... Có nhiều người không hiểu nghĩ họ quảng cáo, nhưng thật ra Ban quản trị chùa tổ chức lễ đấu đèn là vừa làm tăng thêm sinh khí đón mừng năm mới, tạo sự vui tươi, tình đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Nhưng điều quan trọng nhất đó là nghĩa tình và tấm lòng của bà con tham gia đấu đèn muốn góp sức cùng chùa đóng góp vật chất, tiền của để gây quỹ cho Hội chùa làm việc công ích xã hội”.

Đặc biệt trong nhiều năm qua từ nguồn quỹ này, Ban quản trị chùa Ông Bổn cùng những doanh nghiệp người Việt gốc Hoa ở Thành phố Sóc trăng thường xuyên hỗ trợ kinh phí cho giáo viện dạy bổ túc Hoa văn ở trường Phường I. Hội chùa còn phối hợp Ủy ban MTTQ các cấp xây dựng phòng học ở trường Phường 4, cấp tập viết cho học sinh nghèo hiếu học; cất nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các gia đình chính sách và các hộ nghèo; ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, lũ lụt; tổ chức thăm viếng, tặng quà các cụ nhân ngày Quốc tế Hội người cao tuổi; cấp phát hơn chục tấn gạo cho người nghèo trong dịp lễ Vu Lan và cấp hơn một tấn gạo cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện huyện Mỹ Tú… góp phần cùng chính quyền địa phương phục vụ tốt công tác phúc lợi xã hội cho các gia đình chính sách và hộ nghèo trong ngoài tỉnh.

Chùa Ông Bổn (Hòa An Hội Quán) ở Thành phố Sóc Trăng, thuộc loại di tích lịch sử lâu đời của đồng bào người Hoa tỉnh Sóc Trăng. Đây là loại di tích kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đặc biệt tinh xảo của các nghệ nhân Trung Quốc tài hoa đời trước được thể hiện và lưu giữ hơn trăm năm nay qua các bức tranh điêu khắc gỗ, hoành phi chạm trổ 3 lớp, tượng thờ bằng gỗ, câu đối bằng gỗ quý, các tượng gỗ chạm trổ các linh vật: Long, Lân, Qui, Phụng, Nai, Hạc… thể hiện các điển tích cao quý được dùng trang trí trong cung vua hoặc các đình chùa như: Lân hóa rồng, rồng hóa long dây lá, Bá ngư chầu hoàng, Bá ngư điểu chính đến những bậc thần tiên như Ngọc hoàng, Long Cung, Bát Tiên; tranh vẽ Thiên tiên bát quái, Địa tiên bát quái trên các cây đòn dông, cây xiên đỡ mái chùa… đều là những tác phẩm điêu khắc, hội họa đặc biệt hiếm có được thể hiện giống như khuôn mẫu bên Trung Quốc. Ngoài ra, chùa Ông Bổn còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc của người Hoa thông qua lễ đấu giá lồng đèn để tập họp, đoàn kết mọi người cùng nhau đóng góp gây quỹ làm các công tác từ thiện xã hội… thể hiện dấu ấn lịch sử đoàn kết lâu đời của người Hoa Sóc Trăng luôn sống gắn bó lâu đời với cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Khmer tại địa phương. Thông qua Chùa Ông Bổn Thành phố Sóc Trăng, đây là một trong những di tích lịch sử, văn hóa nghệ thuật kiến trúc điêu khắc cổ rất quý giá và còn gần như nguyên vẹn, rất cần được bảo vệ và làm sạch môi trường giữ gìn văn hóa đặc trưng của người Hoa Sóc Trăng nói riêng và cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung, còn tồn tại và được lưu giữ đến ngày nay; để cho bà con đến viếng chùa được thư thái, thoải mái và cảm thấy tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của mình. Ngày 12 tháng 5 năm 2004, di tích Hòa An Hội Quán được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 655/QĐHC.04-CTUBT là di tích cấp tỉnh.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   9°36'18"N   105°58'31"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 10 năm trước