Đền Mõ (Hải Phòng (phần đất liền))

Vietnam / Dong Bang Song Hong / Hai Phong / Hải Phòng (phần đất liền)
 đền thờ  Thêm thể loại

Thờ Công chúa Thiên Thụy là con gái đầu lòng của vua Trần Thánh Tông với cung phi Vũ Thị Ngọc Lan, là chị gái của Trần Nhân Tông, hoàng tử Trần Đức Việp và các công chúa Chiêu Hoa, Chiêu Chinh. Vì là con gái lớn nên bà được ban danh hiệu Thái trưởng công chúa.
Trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần thứ nhất, Trần Khánh Dư là tướng trẻ, lập được công lao nên được Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi. Nhờ đó, ông được tự do ra vào cung cấm và Trần Khánh Dư đã gặp Thiên Thụy. Hai người yêu nhau.
Tuy nhiên trước đó Trần Hưng Đạo đã hỏi xin cưới Thiên Thụy cho con trai là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn. Trần Thánh Tông đã hứa gả. Thiên Thụy không thể trái lệnh nên trở thành vợ Hưng Vũ vương. Mặc dù vậy, Khánh Dư và Thiên Thụy vẫn lén lút gặp nhau và chuyện vỡ lở. Trần Khánh Dư bị phạt vì tội thông dâm, bị xử đánh đến chết. Tuy vậy ông được xử nhẹ nên thoát chết, bị phế truất binh quyền và tịch thu gia sản[7]. Trong khi đó Thiên Thụy bị trả về sống tại cung riêng.
Năm 1282, trước Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần thứ hai, Trần Khánh Dư được phục chức. Ông và Thiên Thụy gặp lại nhau và tiếp tục có quan hệ bất chính. Trần Nhân Tông buộc lòng phải lệnh cho Thiên Thụy xuất gia về một vùng quê hẻo lánh ven sông Văn Úc.
Đầu năm 1284, Thiên Thụy đến một mảnh đất ven sông Văn Úc chọn một gò đất cao lập am tu hành. Tại đây, bà lập điền trang trồng cấy lương thực, mở chợ, quy tụ dân trong vùng đến làm ăn sinh sống, hình thành nên trang Nghi Dương. Am nhỏ được bà dựng thành chùa. Bà còn cứu cấp chẩn bần, đem kiến thức của mình giáo hóa nhân dân, khuyến khích dân khai hoang, phát triển nông trang, lập thêm làng. Những năm thiên tai mất mùa, bà xin vua miễn thuế cho năm xã trong vùng.
Trong thời gian tu hành, bà trồng một cây gạo với ước nguyện nhân dân lo đủ, thóc gạo dồi dào. Sau bà trở thành ni sư nổi tiếng, pháp danh Thiền Đức đại ni. Tháng 10 âm lịch năm Mậu Thân (1308), bà ốm nặng, Trần Nhân Tông bấy giờ là thái thượng hoàng, đang tu trên núi Yên Tử đến thăm chị gái. Ngày 3 tháng 11 cùng năm (tức 16 tháng 12 năm 1308) bà mất.
Khi Thiên Thuỵ còn sống, đêm đến bà gõ mõ tụng kinh niệm Phật, ban ngày tiếng mõ là hiệu lệnh tập hợp nhân dân đi làm, ăn uống, nghỉ ngơi. Khi bà qua đời, người dân quanh vùng lập đền thờ bà, tôn bà làm phúc thần và lấy tiếng mõ là tên cho đền để tưởng nhớ công đức của bà, đền Mõ. Ngoài ra những địa danh chung quanh cũng cùng tên là chùa Mõ, tổng Mõ, chợ Mõ.
Công lao của bà được ghi nhận bằng 11 bản sắc phong của các triều đại. Cây gạo do bà trồng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Tại thời điểm được công nhận là cây di sản vào năm 2011, cây gạo này 727 tuổi, đồng thời được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam phong danh hiệu Cây gạo cổ thụ nhiều năm tuổi nhất ở Việt Nam.
Nguồn (vi.wikipedia.org/wiki/Thi%C3%AAn_Th%E1%BB%A5y)
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   20°44'10"N   106°37'57"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 8 năm trước