Wikimapia is a multilingual open-content collaborative map, where anyone can create place tags and share their knowledge.

Bảo tàng Thành phố HCM (Dinh Gia Long) (Thành phố Hồ Chí Minh)

Vietnam / Dong Nam Bo / Ho Chi Minh City / Thành phố Hồ Chí Minh

Lịch sử hình thành
Khởi đầu, tòa nhà Bảo tàng được khởi công xây dựng vào năm 1885 và hoàn thành năm 1890 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux để làm nơi trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Tuy nhiên, ngay sau khi xây xong, tòa nhà lại được Thống đốc Nam kỳ Henri Eloi Danel (1850-1898) dùng làm tư dinh. Về sau, tòa nhà được sử dụng hẳn làm Dinh Thống đốc hay còn gọi là Dinh Phó soái (trước năm 1911).

Năm 1945, Dinh Thống đốc nhiều lần đổi chủ. Sau khi quân Nhật tiến hành đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3, Thống đốc người Pháp Ernest Thimothée Hoeffel bị bắt, Thống đốc người Nhật là Yoshio Minoda sử dụng tòa nhà làm dinh thự. Ngày 14 tháng 8, người Nhật giao lại dinh thự cho chính quyền Trần Trọng Kim để làm dinh Khâm sai Đại thần Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm. Đến ngày 25 tháng 8, Việt Minh cướp chính quyền, bắt giam Khâm sai Nam Bộ Nguyễn Văn Sâm và đổng lý văn phòng phủ khâm sai Hồ Văn Ngà tại dinh khâm sai. Dinh trở thành trụ sở Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam bộ, rồi của Ủy ban Nhân dân Nam bộ. Ngày 10 tháng 9, Trung tá B. W Roe (phái bộ quân sự Anh) chiếm dinh làm trụ sở Phái bộ Đồng minh, buộc Ủy ban Nhân dân Nam bộ phải dời về dinh Đốc lý. Đến ngày 5 tháng 10, dinh được tướng Leclerc dùng làm Phủ Cao ủy Cộng hòa Pháp tạm thời. Tuy nhiên, đến ngày 5 tháng 10, Cao ủy Cộng hòa Pháp tại Đông Dương, Đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu chọn dinh Norodom làm Phủ Cao ủy. Dinh trở lại làm nơi làm việc của tướng Leclerc dù danh nghĩa chính thức là trụ sở của Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt Nam.

Sau khi tái chiếm Đông Dương, ngày 23 tháng 5 năm 1947, chính quyền Pháp đã bàn giao dinh cho Thủ tướng Lê Văn Hoạch để làm trụ sở chính phủ Nam kỳ quốc. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam được thành lập và dinh được sau đó chuyển thành dinh Tổng trấn (sau đổi thành Thủ hiến) Nam phần dưới quyền sử dụng của Thủ hiến Trần Văn Hữu.

Tại đây, ngày 9 tháng 1 năm 1950, đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hơn 6000 học sinh-sinh viên và giáo viên các trường, yêu cầu thả ngay những học sinh, sinh viên bị bắt vô cớ trước đó. Lúc 13 giờ chiều ngày hôm đó, chính quyền của thủ hiến Trần Văn Hữu đã huy động một lực lượng lớn cảnh sát để đàn áp, bắt giữ 150 người, đánh 30 người trọng thương tại chỗ, học sinh trường Petrus Ký là Trần Văn Ơn đã bị trúng đạn tử thương. Sự kiện này đã dẫn đến đám tang Trần Văn Ơn ngày 12 tháng 1, có đến 25.000 tham gia.

Sau Hiệp định Genève, Ngô Đình Diệm về Sài Gòn nhận chức thủ tướng. Vì dinh Norodom còn do Cao ủy Pháp là tướng Paul Ely đang sử dụng, nên dinh trở thành dinh Thủ tướng tạm thời từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 7 tháng 9 năm 1954. Dinh cũng được Quốc trưởng Bảo Đại đặt cho tên mới là dinh Gia Long. Con đường La Grandìere trước mặt cũng được đổi tên thành đường Gia Long.

Sau cuộc trưng cầu dân ý phế truất Bảo Đại năm 1955, Ngô Đình Diệm dùng tòa nhà này làm dinh Quốc khách. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, dinh Độc Lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm dời phủ tổng thống sang đây và ở đây cho đến ngày bị đảo chính lật đổ vào tháng 11 năm 1963.

Trong thời gian 1964-1965, dinh được dùng làm dinh Quốc trưởng. Ngày 31 tháng 10 năm 1966, khi dinh Độc Lập xây lại xong, tòa nhà này được dùng làm trụ sở của Tối cao Pháp viện cho đến tận 1975.

Sau 1975, tòa nhà tạm thời không dùng cho mục đích cụ thể nào. Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố HCM, đến ngày 13 tháng 12 năm 1999 thì đổi tên thành Bảo tàng Thành phố HCM như hiện nay.
Các thành phố lân cận:
Toạ độ:   10°46'32"N   106°41'58"E
Bài viết này được chỉnh sửa lần cuối 13 năm trước